Peel da trị mụn là gì? Có tốt không? Nên Peel da trị mụn không?

Peel da trị mụn hiện đang là phương pháp được nhiều người quan tâm nhờ những thông tin về lợi ích mà nó mang lại vô cùng vượt trội. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất tác động vào da vẫn khiến nhiều người băn khoăn, không biết có nên lựa chọn phương pháp này […]

Đã cập nhật 23 tháng 5 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Peel da trị mụn là gì? Có tốt không? Nên Peel da trị mụn không?
  1. Peel da trị mụn hiện đang là phương pháp được nhiều người quan tâm nhờ những thông tin về lợi ích mà nó mang lại vô cùng vượt trội. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất tác động vào da vẫn khiến nhiều người băn khoăn, không biết có nên lựa chọn phương pháp này để khắc phục các vấn đề về da không. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc phổ biến nhất về peel da trị mụn để đưa ra quyết định phù hợp nhất cho mình! 

    Peel da là gì?

    Peel da còn được gọi là chemical peel, là một phương pháp Làm đẹp da, Trị Mụn sử dụng các hợp chất hóa học tác động lên bề mặt da để loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn và vi khuẩn để làm sạch da. Đồng thời, peel da cũng kích thích tái tạo tế bào da, giúp giảm nếp nhăn, mang lại làn da khỏe mạnh, mịn màng hơn.

    Thông thường các hoạt chất sử dụng trong quá trình peel da đều có nguồn gốc tự nhiên như Salicylic acid, Glycolic acid… Tuy nhiên, về cơ bản đây vẫn là chất hóa học nên đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức và kinh nghiệm để tránh nguy cơ kích ứng da cũng như đảm bảo hiệu quả như mong đợi.

    Peel da là phương pháp làm đẹp sử dụng các chất hóa học để tác động lên bề mặt da
    Peel da là phương pháp làm đẹp sử dụng các chất hóa học để tác động lên bề mặt da (Nguồn: Internet)

    Các cấp độ peel da bạn nên biết

    Về cơ bản, peel da trị mụn hoặc peel da thẩm mỹ đều được chia là 3 cấp độ gồm: peel nông, peel trung và peel sâu. Mỗi một cấp độ sẽ được xác định dựa vào nồng độ của loại axit sử dụng và cơ chế tác động đối với da. Cụ thể như sau:

    Peel nông

    Đây là cấp độ peel da nhẹ nhất, chỉ tác động đến bề mặt da và hầu như không gây đau. Cấp độ này sẽ giúp lấy đi lớp tế bào chết, làm sạch sâu cho da đồng thời đẩy nhân mụn để hỗ trợ quá trình điều trị mụn hiệu quả hơn. 

    Peel trung

    Ở cấp độ này, các hóa chất sẽ tác động vào sâu ở tầng biểu bì, không chỉ giúp loại bỏ lớp tế bào chết ở bề mặt mà còn kích thích tái tạo tế bào da mới, cải thiện nhiều vấn đề về da như khô ráp, sần sùi, không đều màu… Ngoài ra, cấp độ peel da này còn hỗ trợ rất hiệu quả cho quá trình làm trắng da.

    Peel sâu

    Peel sâu sử dụng các chất hóa học nồng độ cao, tác động vào tầng hạ bì của da
    Peel sâu sử dụng các chất hóa học nồng độ cao, tác động vào tầng hạ bì của da (Nguồn: Internet)

    Peel sâu sẽ tác động vào tầng hạ bì của da, cũng là tầng sâu nhất mà các hóa chất có thể tiếp cận mà không gây ra các tác dụng phụ ngoài ý muốn đối với làn da. Tầng da này ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác nhau của da như nếp nhăn, độ đàn hồi, thâm sẹo, bã nhờn… Do đó, phương pháp peel sâu có thể giúp cải thiện các tình trạng như lỗ chân lông to, nếp nhăn, mụn, vết thâm, dưỡng trắng da… 

    Mặc dù mang lại nhiều lợi ích vượt trội nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp peel sâu này. Để thực hiện, bạn cần được thăm khám và chỉ định của bác sĩ da liễu.

    Tác dụng của peel da trị mụn là gì?

    Như đã đề cập ở trên, peel da trị mụn mang lại rất nhiều lợi ích cho làn da. Cụ thể gồm:

    • – Hỗ trợ gom cồi mụn, đẩy mụn ẩn, mụn đầu đen,… nằm bên trong lỗ chân lông lên bề mặt da, giúp giảm mụn và ngăn mụn quay trở lại.
    • – Làm khô đầu mụn viêm, mụn mủ, mụn bọc, gom nhân mụn nhanh hơn.
    • – Kích thích tái tạo tế bào da, giúp làm đều màu da, mờ thâm sạm…
    • – Cải thiện hoạt động của tuyến bã nhờn, giảm tình trạng bít tắc da, thu nhỏ lỗ chân lông.
    • – Trẻ hóa da, giúp làn da sáng mịn, khỏe mạnh hơn.
    • – Hỗ trợ điều trị các tình trạng như sạm nám, sẹo mụn, lỗ chân lông to…

    Ưu nhược điểm của peel da trị mụn

    Thực tế bất kì phương pháp can thiệp sâu vào da nào cũng đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, phù hợp với từng tình trạng da khác nhau. Do đó, trước khi áp dụng, bạn cần tìm hiểu thật kỹ để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình điều trị.

    Ưu điểm

    Peel da hóa học hỗ trợ cải thiện rất nhiều vấn đề về da khác nhau
    Peel da hóa học hỗ trợ cải thiện rất nhiều vấn đề về da khác nhau (Nguồn: Internet)

    Peel da trị mụn mang lại rất nhiều ưu điểm vượt trội như:

    • – Hỗ trợ điều trị nhiều loại mụn, giảm nguy cơ để lại sẹo: Các loại hóa chất được sử dụng để peel da thường kết hợp nhiều công dụng khác nhau như kháng khuẩn, làm sạch da, kích thích tái tạo tế bào da mới, điều tiết bã nhờn trên da… Nhờ đó phương pháp này có thể điều trị nhiều loại mụn khác nhau và ngăn mụn tái phát hiệu quả. Đồng thời, tế bào da cũng được tái tạo nhanh chóng, trở nên khỏe mạnh, đều màu, giảm tối đa nguy cơ để lại sẹo do mụn.
    • – Không gây đau: Quá trình peel da hầu như không gây đau mà chỉ có cảm giác châm chích nhẹ khoảng 5-10 phút sau khi thực hiện. Bạn có thể dễ dàng làm dịu da bằng cách chườm đá lạnh.
    • – Liệu trình điều trị ngắn: So với nhiều phương pháp khác, peel da trị mụn thường có lộ trình ngắn nhưng hiệu quả mang lại rất vượt trội. Tùy theo tình trạng mụn và cơ địa, một chu trình peel da thông thường có thể vào khoảng 2-3 lần hoặc 5-7 lần để thấy kết quả.
    • – Hiệu quả lâu dài: Nếu kết hợp peel da trị mụn và chăm sóc da đúng cách, hiệu quả mang lại sẽ rất lâu dài.

    Nhược điểm

    Bên cạnh những ưu điểm kể trên, peel da trị mụn vẫn tồn tại một số nhược điểm như:

    • – Nếu không chọn đúng địa chỉ peel da uy tín thì việc trị mụn bằng phương pháp này sẽ khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Thậm chí một số trường hợp còn có thể khiến da bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
    • – Quá trình phục hồi sau khi peel da phụ thuộc khá lớn vào quá trình chăm sóc sau đó. Nếu không chú ý, tình trạng mụn và các vấn đề khác vẫn có thể tiếp diễn.
    • – Lạm dụng peel da quá mức có thể gây ảnh hưởng lớn đến làn da, đặc biệt là đối với hàng rào bảo vệ da.

    Các trường hợp nên và không nên thực hiện peel da trị mụn

    Những trường hợp nên thực hiện peel da trị mụn gồm:

    • – Da bị mụn: Da gặp các loại mụn như mụn ẩn, mụn đầu đen, mụn bọc…
    • – Da có tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, lỗ chân lông to.
    • – Da bị sạm nám, sẹo thâm…
    • – Da không đều màu, cháy nắng…

    Những trường hợp không nên thực hiện peel da trị mụn:

    • – Mặc dù peel da mang lại rất nhiều lợi ích vượt trội nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể áp dụng được. Cụ thể, những trường hợp được khuyến cáo không nên áp dụng gồm:
    • – Người có da bị nhiễm khuẩn, có vết thương hở, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
    • – Người đang sử dụng Accutane trong vòng 6 tháng trước khi thực hiện peel da.
    • – Người đang mắc một số bệnh ngoài da như chàm, vảy nến, viêm da…
    • – Người đang sử dụng các loại thuốc hoặc sản phẩm chăm sóc da có chứa thành phần Retin A.Renova.
    • – Người sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da có chứa vitamin C hoặc các loại axit khác trong vòng 48 giờ trước khi peel da.

    Một số lưu ý khi thực hiện peel da trị mụn

    Như bạn đã biết, quá trình chăm sóc da sau khi peel đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả và khả năng phục hồi của da. Cụ thể, để hạn chế tối đa những tác động từ môi trường bên ngoài cũng như phát huy tốt nhất các lợi ích của việc peel da trị mụn, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

    • – Tránh nắng: Đây là việc vô cùng quan trọng sau khi peel da, đảm bảo làn da được bảo vệ trước tác động của ánh nắng mặt trời, đặc biệt là thời gian đầu sau khi mới thực hiện xong.
    • – Không chạm, gỡ những vị trí đang bong tróc: Bạn không nên tự ý gỡ những vùng da đang bong tróc sau khi peel để tránh nguy cơ làm tổn thương da, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
    • – Nên sử dụng nước muối loãng để làm sạch da thay vì sữa rửa mặt: Việc này nhằm tránh nguy cơ chất kiềm có trong sữa rửa mặt tác động đến hiệu quả peel da.
    • – Hạn chế trang điểm: Khi làn da đang trong quá trình phục hồi sau khi peel da trị mụn, bạn nên hạn chế tối đa việc trang điểm. Bởi lẽ lúc này làn da còn rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng và hình thành mụn.
    • – Chú trọng dưỡng ẩm: Bạn hãy lựa chọn các sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ để cấp ẩm cho da, đẩy nhanh quá trình phục hồi cũng như làm dịu da.

    Giải đáp các thắc mắc thường gặp về peel da

    Peel da trị mụn có tốt không?

    Peel da trị mụn sẽ rất tốt, mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho da trong trường hợp thực hiện tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chăm sóc da đúng theo chỉ định của bác sĩ da liễu.

    Một số câu hỏi thường gặp về peel da trị mụn
    Một số câu hỏi thường gặp về peel da trị mụn (Nguồn: Internet)

    Peel da trị mụn có an toàn không?

    Peel phương pháp phổ biến được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, peel da phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp cũng như nồng độ hóa chất sử dụng. Do đó, chỉ những người có tay nghề, có kỹ năng mới đảm bảo thực hiện quá trình này an toàn. Người chưa có kinh nghiệm và chuyên môn không nên tự ý thực hiện tại nhà rất dễ dẫn đến nguy cơ kích ứng da.

    Có nên peel da trị mụn tại nhà?

    Bạn chỉ nên peel da tại nhà khi tìm hiểu thật kỹ về nồng độ các loại axit có thể sử dụng và chọn phương pháp peel nông để tránh gây tổn thương da. Trường hợp cần peel trung và peel sâu, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu.

    Bao lâu thì peel da 1 lần?

    Thông thường một liệu trình peel da trị mụn sẽ được thực hiện khoảng 3-5 lần, mỗi lần cách nhau từ 2-3 tuần.

    Sau khi peel da nên dùng sản phẩm gì?

    Sau khi peel da, làn da còn rất non nớt và dễ bị tác động bởi các hoạt chất chứa trong mỹ phẩm. Do đó, bạn nên ưu tiên lựa chọn những sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc dành riêng cho da nhạy cảm.

    Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về peel da trị mụn. Hy vọng rằng  chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp này và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho mình. Ngoài ra, bạn hãy nhớ rằng, quá trình chăm sóc da hằng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc trị mụn. Do đó, hãy chọn những sản phẩm phù hợp với làn da và xây dựng một chu trình skincare tốt nhất cho mình nhé!