Nhiễm trùng vết thương

Mục lục 1 Tìm hiểu chung 1.1 Nhiễm trùng vết thương là gì? 2 Triệu chứng 2.1 Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng vết thương là gì? 2.2 Khi nào bạn cần gặp bác sĩ? 3 Nguyên nhân 3.1 Nguyên nhân nào gây nhiễm trùng vết thương? 4 Nguy cơ mắc phải 4.1 […]

Đã cập nhật 2 tháng 1 năm 2020

Bởi TopOnMedia

Nhiễm trùng vết thương

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng vết thương là gì?

Nhiễm trùng vết thương xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào da. Nhiễm trùng có thể chỉ liên quan đến da hoặc ảnh hưởng đến các mô hoặc cơ quan sâu hơn gần vết thương. Nhiễm vi khuẩn gây bệnh uốn ván có thể gây tử vong.

Các biến chứng của vết thương bị nhiễm trùng có thể thay đổi phạm vi từ tại chỗ đến toàn thân. Các biến chứng tại chỗ nghiêm trọng nhất của một vết thương bị nhiễm trùng là vết thương chậm lành dẫn đến không lành được. Điều này thường gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng xấu đến tâm lý cho bệnh nhân. Các biến chứng toàn thân có thể bao gồm viêm mô tế bào (nhiễm khuẩn da hoặc dưới da), viêm tủy xương (nhiễm trùng xương hoặc tủy xương) hoặc nhiễm khuẩn huyết (sự hiện diện của vi khuẩn trong máu có thể dẫn đến tình trạng viêm toàn thân).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng vết thương là gì?

Các dấu hiệu vết thương bị nhiễm trùng là:

  • Vết thương chảy dịch màu vàng, xanh lá cây hoặc có mùi hôi
  • Vết thương hay gần vết thương đau nhiều, sưng hoặc đỏ tấy
  • Thay đổi màu sắc hoặc kích thước vết thương
  • Các vệt đỏ trên da xung quanh vết thương
  • Sốt

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây nhiễm trùng vết thương?

Hầu hết các vết thương bị nhiễm trùng là do vi khuẩn xâm nhập vào. Các vi khuẩn này có nguồn gốc từ hệ vi khuẩn chí trên da hoặc vi khuẩn từ các bộ phận khác của cơ thể hay từ môi trường bên ngoài. Vi khuẩn gây nhiễm trùng phổ biến nhất là Staphylococcus aureus và các loại staphylococci khác.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng vết thương?

Nhiều yếu tố nguy cơ mắc nhiễm trùng vết thương như:

  • Lưu thông máu kém
  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì
  • Hệ thống miễn dịch bị ức chế hoặc suy giảm
  • Giảm khả năng di động hoặc không vận động được
  • Suy dinh dưỡng
  • Vệ sinh kém

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm trùng vết thương?

Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử y tế và kiểm tra thực thể. Bác sĩ sẽ hỏi làm thế nào và khi nào bạn bị thương. Bạn có thể được yêu cầu làm bất kỳ xét nghiệm nào sau đây:

  • Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra nhiễm trùng.
  • Chụp X-quang hoặc CT có thể được thực hiện để tìm nhiễm trùng trong các mô sâu hoặc dị vật trong vết thương. Bạn có thể được cung cấp chất lỏng tương phản để giúp hiển thị hình ảnh rõ hơn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng bị phản ứng dị ứng với chất lỏng tương phản.
  • Nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu dịch hoặc mô lấy từ vết thương. Mẫu này được gửi đến phòng thí nghiệm và kiểm tra vi trùng gây nhiễm trùng.

Những cách chữa vết thương bị nhiễm trùng

Việc xử lý vết thương bị nhiễm trùng sẽ tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, vị trí của vết thương và liệu các khu vực khác có bị ảnh hưởng hay không. Việc điều trị cũng có thể phụ thuộc vào sức khỏe và thời gian bạn có vết thương. Hãy hỏi bác sĩ về phương pháp điều trị bác sĩ lựa chọn và các cách điều trị khác mà bạn có thể cần:

  • Thuốc sẽ được dùng để điều trị nhiễm trùng, giảm đau và sưng.
  • Chăm sóc vết thương có thể được thực hiện để làm sạch vết thương và giúp chữa lành vết thương. Hút chân không vết thương cũng giúp chữa lành vết thương.
  • Liệu pháp oxy Hyperbaric (HBO) có thể được sử dụng để tăng oxy cho các mô giúp chúng lành lại nhanh hơn. Oxy được bơm vào khi bạn ngồi trong buồng áp suất.
  • Phẫu thuật có thể cần thiết để làm sạch vết thương hoặc loại bỏ các mô bị nhiễm trùng hoặc mô chết. Phẫu thuật cũng có thể cần thiết để loại bỏ dị vật.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn kiểm soát nhiễm trùng vết thương?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với nhiễm trùng vết thương:

  • Chăm sóc vết thương theo chỉ dẫn. Giữ cho vết thương sạch sẽ và khô ráo. Bạn nên che vết thương khi tắm để tránh làm ướt vết thương. Làm sạch vết thương theo chỉ dẫn với xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa vết thương. Thay băng gạc sạch theo chỉ dẫn. Thay băng khi băng bị ướt hoặc bẩn.
  • Ăn nhiều loại thức ăn lành mạnh. Ví dụ như trái cây, rau, bánh mì nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu, thịt nạc và cá. Ăn thực phẩm lành mạnh có thể giúp vết thương mau lành hơn. Bạn cũng có thể cần uống vitamin và khoáng chất bổ sung. Hỏi bác sĩ xem bạn có cần phải ăn kiêng đặc biệt không.
  • Quản lý các tình trạng sức khỏe khác. Làm theo chỉ dẫn của bác sĩ để quản lý các tình trạng sức khỏe có thể làm cho việc chữa lành vết thương bị chậm lại, ví dụ như cao huyết áp và bệnh tiểu đường.
  • Không hút thuốc lá. Nicotin và các hóa chất khác trong thuốc lá và xì gà có thể làm chậm quá trình lành vết thương. Hãy hỏi bác sĩ để biết thông tin nếu bạn hút thuốc và cần được giúp đỡ để bỏ thuốc lá. Thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá không khói vẫn chứa nicotin. Nói chuyện với bác sĩ trước khi bạn sử dụng các sản phẩm này.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cách chăm sóc vết thương giúp ngăn ngừa sẹo
  • Tại sao các vết thương thường ngứa khi chúng đang lành lại?
  • Chăm sóc vết thương như thế nào để ngừa sẹo?

Tags: