Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Campylobacter

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vi khuẩn Campylobacter là 1 trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy. Nhiễm phải loài vi khuẩn này cũng được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm dạ dày ruột trên thế giới.

Đã cập nhật 2 tháng 1 năm 2020

Bởi TopOnMedia

Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Campylobacter


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vi khuẩn Campylobacter là 1 trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy. Nhiễm phải loài vi khuẩn này cũng được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm dạ dày ruột trên thế giới.

Tuy nhiên, vi khuẩn Campylobacter có thể bị giết chết ở nhiệt độ cao khi nấu chín kỹ thức ăn. Do đó, “ăn chín uống sôi” là cách tốt nhất để bạn giữ vệ sinh an toàn thực phẩm cơ bản và phòng tránh được nhiễm trùng đường ruột do các vi khuẩn gây nên.

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Campylobacter là gì?

Đúng như tên gọi, tình trạng nhiễm trùng này do vi khuẩn Campylobacter jejuni gây ra và thường gây ảnh hưởng ở ruột non. Đây cũng là một dạng ngộ độc thực phẩm.

Căn bệnh này thường được gọi chung là nhiễm khuẩn Campylobacter.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm khuẩn Campylobacter

Những người nhiễm phải vi khuẩn Campylobacter thường bị tiêu chảy (hay có máu trong phân), sốt và co thắt dạ dày (đau quặn bụng). Đôi khi, tiêu chảy còn kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn.

Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện sau 2–5 ngày từ khi nhiễm khuẩn và kéo dài trong vòng 1 tuần.

Một số người có thể gặp phải các biến chứng như hội chứng ruột kích thích, tê liệt tạm thời và viêm khớp. Đôi khi, vi khuẩn Campylobacter có thể di chuyển vào máu và gây nhiễm trùng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng ở những người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như người bị rối loạn máu, AIDS hay đang hóa trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nhiễm khuẩn Campylobacter là gì?

Vi khuẩn Campylobacter có thể xâm nhập vào cơ thể nếu bạn ăn thịt gia cầm chưa nấu chín hay những thực phẩm khác đã chạm vào thịt gia cầm sống hoặc chưa nấu chín.

Đa số vi khuẩn đều sống trong hệ tiêu hóa của các loài động vật, bao gồm gia cầm và gia súc, thậm chí ở trong vật nuôi như chó, mèo. Sữa tươi chưa tiệt trùng cũng có khả năng là nguồn gây nhiễm khuẩn Campylobacter.

Ở các nước đang phát triển, vi khuẩn này còn được tìm thấy trong hệ thống nước sinh hoạt và nước thải.

Tình trạng nhiễm khuẩn Campylobacter thường là những trường hợp đơn lẻ. Thế nhưng, đôi lúc chúng có thể bùng phát thành một ổ dịch khi nhiều người cùng bị nhiễm phải loại vi khuẩn này do lây lẫn nhau.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhiễm khuẩn Campylobacter?

Để chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm khuẩn Campylobacter, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm tìm vi khuẩn này trong phân, mô hoặc dịch cơ thể.

Hình thức xét nghiệm có thể là nuôi cấy, phân lập vi khuẩn hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh thông qua việc phát hiện vật liệu di truyền của vi khuẩn.

Những phương pháp điều trị nhiễm khuẩn Campylobacter

Tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị cụ thể, ngoại trừ việc nên bù nước và điện giải để chống mất nước do tiêu chảy, nôn mửa.

Lưu ý, trừ trường hợp có ý kiến của bác sĩ thì bạn không nên uống thuốc để cầm tiêu chảy hay chống nôn. Các triệu chứng này đều là phản ứng tự vệ của cơ thể để tự đào thải vi khuẩn gây bệnh ra ngoài.

Điều trị bằng kháng sinh được khuyến cáo trong các trường hợp xâm lấn, tức là vi khuẩn đã xâm nhập vào tế bào niêm mạc ruột và gây tổn thương các mô hoặc để loại trừ hoàn toàn mầm bệnh trong cơ thể (tình trạng cơ thể vẫn còn vi khuẩn Campylobacter tồn tại nhưng không biểu hiện triệu chứng).

Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn Campylobacter nặng có thể cần dùng thuốc kháng sinh điều trị, bao gồm:

  • Người trên 65 tuổi
  • Phụ nữ mang thai
  • Những người có hệ miễn dịch yếu như bị rối loạn máu, AIDS hoặc đang hóa trị

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn có hệ miễn dịch yếu, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt ngay khi bị tiêu chảy và xuất hiện các triệu chứng khác.

Một số trường hợp bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời:

  • Tiêu chảy hơn 2 ngày
  • Có dấu hiệu mất nước (nước tiểu sẫm màu, khô miệng và da, chóng mặt)
  • Đau dữ dội ở ruột và trực tràng
  • Sốt cao trên 39ºC

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn Campylobacter?

Sau đây là một số cách có thể giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn Campylobacter:

  • Kiểm soát vệ sinh ở tất cả các giai đoạn chế biến thực phẩm, nấu thịt gia cầm ở nhiệt độ tối thiểu là 74ºC. Không ăn thịt còn thấy màu hồng hoặc đỏ.
  • Hâm nóng thức ăn và sữa tiệt trùng để loại bỏ vi khuẩn khỏi thực phẩm.
  • Rửa tay trước khi nấu ăn và sau khi chạm vào thịt gia cầm hoặc các loại thịt sống.
  • Giữ thịt tươi sống cách xa các thực phẩm khác (rau, củ, trái cây…), sử dụng thớt khác nhau cho đồ sống và đồ chín.
  • Rửa tay sau khi chạm vào thú cưng hay phân của chúng.
  • Rửa tay cẩn thận, đúng cách sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là khi bị tiêu chảy.

Để tránh làm lây lan vi khuẩn, bạn hãy cố gắng tránh đến trường hoặc đi làm khi còn đang bị tiêu chảy nặng. Hãy ở nhà nghỉ ngơi và luôn bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cách đơn giản để điều trị tiêu chảy tại nhà
  • Bạn có biết chó con cũng gây nhiễm trùng đường ruột?
  • Nên ăn và không nên ăn gì khi bị tiêu chảy? (P1)

Tags: