Sau tiếng vang của bộ phim “The Great Gatsby” ra mắt năm 2013, đến đầu năm 2016, ngành điện ảnh lại một lần nữa khuấy động trào lưu “Retro Fashion” bằng một tác phẩm thành công về đề tài chuyển giới– “The Danish Girl”. Một trong những điều đặc sắc nhất của bộ phim, chính là bối cảnh lịch sử mang hơi thở của thập niên 20, tái hiện một phần hồi ức đậm chất cổ tích của đất nước Đan Mạch trong thời kỳ này. Cả “The Great Gatsby” lẫn “Danish Girl”, không chỉ tác động vào tâm hồn mơ mộng của những ai yêu thích lĩnh vực phim ảnh cổ điển, phong cách thời trang mang màu sắc của thập niên 20 trong những tác phẩm này còn gợi lên cảm xúc tiếc nuối, và sự hoài niệm về thời trang của một trong những thập niên tiêu biểu nhất thế kỷ XX.
Là cột mốc quan trọng của một thời kỳ lịch sử đầy biến động, thập niên 20 đã “từ chối” các chuẩn mực thẩm mỹ của thế kỷ trước, khiến chúng nhanh chóng trở nên lỗi thời. Lối ăn mặc trong thời kỳ này trở thành biểu tượng của một thế hệ phụ nữ tự do và đấu tranh cho nữ quyền. Thế kỷ XXI, vòng lặp của thời trang đã mang những chuẩn mực thẩm mỹ đó quay trở lại. Cảm hứng thời trang thập niên 20 trở thành “món ăn” tinh thần của các nhà thiết kế và thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Sức hút mãnh liệt của phong cách thời trang quý tộc của những năm 1920 khiến cho các tín đồ thời trang chìm đắm trong những hồi tưởng về quá khứ. Và bạn, nàng thơ của Leflair, nếu như bạn cũng muốn một lần được trở thành quý cô của thập niên 20, một lần được sống trong thời đại huy hoàng của nhạc Jazz và như thể vừa mới bước ra từ thời kỳ vàng son của lịch sử thời trang, thì hãy:
1. Diện váy Flapper
Nếu như thời trang mang âm hưởng của thế kỷ XIX không thể thiếu những chiếc corset, thì thời trang mang cảm hứng thập niên 20 nhất định phải “giải phóng” khỏi chiếc áo lót “khắc nghiệt” đó, đổi lại là những chiếc đầm Flapper với vòng eo trễ nãi. Flapper – hay còn gọi là “váy suông hạ eo”, ra đời từ sự du nhập nền nhạc Jazz của Mỹ vào Châu Âu từ đầu những năm 1920. Danh từ “Flappers” là tiếng lóng để ám chỉ những người của “thế hệ mới”, thời của những phụ nữ Tây phương phóng túng, lả lướt trong những chiếc váy eo thấp, phom dáng thẳng mượt và mái tóc ngắn uốn cắt điệu đà. Yêu kiều nhưng cũng rất “nam tính”, như cách mà người Pháp gọi những “cô gái Flapper” là “La Garçonne”, có nghĩa là những người phụ nữ thích làm đàn ông.
Các quý cô trong thập niện 20 chỉ bắt đầu diện váy Flapper từ những năm cuối của thời kỳ này, nhưng mức độ thịnh hành là cực kỳ lớn. Phong cách màu sắc của giai đoạn 1920 thiên về tính tối giản, phổ biến nhất là các gam màu đơn sắc trung tính. Hoạ tiết trong thời kỳ này thịnh hành kẻ sọc đối với trang phục nam giới, mang ảnh hưởng bởi các trào lưu chủ nghĩa siêu thực (Surrealism), Art Nouveau và Art Deco đối với trang phục phụ nữ. Các phong cách floral và hoạ văn trang trí mang màu sắc Đông Phương được ứng dụng số ít trong các mốt thời trang nữ.
2. Đội mũ chuông
Mũ chuông (Cloche hat), được gọi tên theo hình dáng của chính nó, ra đời vào năm 1908 bởi nhà thiết kế mũ Caroline Reboux, tuy nhiên bắt đầu phổ biến trong thập niên 20, từ năm 1922 – 1933. Cùng với sức ảnh hưởng của những chiếc mũ chuông đã tạo hình nên mẫu tóc đặc trưng riêng cho nó – Eton crop. Kiểu tóc này nhanh chóng định hình vẻ đẹp của phụ nữ trong giai đoạn này, trở thành một biểu tượng của nét đẹp hoài cổ mang màu sắc quý tộc đầu thế kỷ XX.
Trào lưu Art Deco lúc đương thời ảnh hưởng đến tạo hình vành nón và các kiểu đường may. Mặc dù mũ chuông với hầu hết là kiểu dáng trơn, tuy nhiên cũng bao gồm các thiết kế được trang trí với các hình thêu, trâm cài, ruy băng, khăn, lông vũ hoặc các loại phụ kiện khác. Thông thường, những phong cách trang trí khác nhau của mũ chuông gắn liền với những thông điệp khác nhau của chủ nhân. Phổ biến với các ý nghĩa như: mũi tên mang ý nghĩa về một cô gái độc thân nhưng trái tim đã kịp trao cho một hình bóng nào đó; một nút thắt chặt chẽ thể hiện cho một cuộc hôn nhân; hay một chiếc nơ rực rỡ là dấu hiệu của một trái tim cô đơn cởi mở.
Những chiếc mũ chuông trở nên lỗi thời sau giai đoạn hưng thịnh cuối thập niên 20 đầu 30, tuy nhiên được hồi sinh và thịnh hành trong những năm 1960 và tiếp tục sống lại một lần nữa trong những 1980 với phiên bản mũ chuông có vành đính cúc.
Cùng với các xu hướng thời trang Retro và Vintage, trong vài năm gần đây, những chiếc mũ chuông trở lại với một chút biến tấu giữa các thập niên 20, 60. Những chiếc mũ nỉ hình chuông một lần nữa được ưa chuộng bởi các tín đồ thời trang. Để stylist cho mình một bộ cánh thời trang lấy cảm hứng từ các quý cô thập niên 20, ngoài váy Flapper, mũ chuông (cloche hat) là một trong những món phụ kiện vô cùng thiết yếu để định hình phong cách.
3. Mang giày T-strap
Giày của phụ nữ cuối cùng cũng đã được xuất hiện trong thập niên 20. Sau hàng thế kỷ chấp nhận bị ẩn giấu dưới những bộ váy phồng nặng nè, dài và dày của các thời đại trước, phụ nữ trong những năm 1920 không những cho phép váy ngắn dần hơn, mà còn “cỗ vũ” các nàng tự do để lộ đôi chân của mình và thay đổi “số phận” của những đôi giày.
T-strap là kiểu giày điển hình nhất trong thập niên này với thiết kế bít mũi, gót cao vừa phải và cong lượn, mang ảnh hưởng của các triều đại hoàng gia Victoria và Edwardian trong giai đoạn đầu thế kỷ XX. Trong gần một thập kỷ, giày của phụ nữ dần được cải tiến và hoàn thiện nhiều hơn với thiết kế T-strap trở nên mỏng mảnh hơn, tạo kiểu với double T-strap, button T-strap hay cut-out T-strap. Trào lưu Art Deco cũng như cảm hứng nghệ thuật Phương Đông và Hy Lạp cũng được ứng dụng trang trí cho những đôi giày trong thập niên này với hoa văn hình học, đá quý, sequins… Bên cạnh những kiểu giày gót mảnh, phong cách giày Casual trong giai đoạn này được kế thừa từ các thời đại trước còn có thể kể đến Colonial pumps, Oxford, Galoshes,…
4. Biến tấu với khăn choàng
Khăn choàng cổ là một trong những vật dụng không thể thiếu trên của thẩm mỹ thời trang những năm 1920. Các quý cô trong thời kỳ này sử dụng những chiếc khăn choàng to bản với thiết kế hoa văn vẽ tay, hoạ tiết hình học, paisley hoặc mang ảnh hưởng từ Art Deco. Một số ưa chuộng mẫu khăn lụa hoặc nhung, thêu ren cầu kỳ hoặc viền tua. Khăn choàng lông thú cũng rất phổ biến, đặc biệt là trang phục buổi đêm, các quý cô mặc áo khoác oversize, tay đeo găng và choàng khăn lông thú dày, quấn quanh tạo thành cổ áo hoặc đính đá quý, trang trí sequin và cách điệu thành áo choàng (cape coat).
Khăn choàng cổ được các tín đồ thời trang của thập niên 20 sáng tạo đa dạng kiểu cách mix match và trang trí, sao cho phù hợp với trang phục, sự kiện suốt các mùa trong năm cũng như những thời điểm khác nhau trong ngày. Khăn lụa nhỏ, mỏng được thắt nơ duyên dáng trên chiếc cổ thon, choàng nhẹ lên bờ vai hoặc dùng làm headband (băng đô cái tóc) để tạo kiểu tóc. Trong khi đó, những chiếc khăn choàng băng len, nhung hoặc lông thú trở nên rất hữu ích khi kết hợp với trang phục buổi tối. Có thể nói, khăn choàng là niềm cảm hứng vô tận của phụ nữ thập niên 20.
5. Kết hợp với trang sức
Giai đoạn này, ngọc trai được nuôi cấy nhân tạo thành công khiến chúng trở nên rất thịnh hành, đa dạng kiểu dáng và giá cả cũng không quá đắt. Phụ nữ thập niên 20 với mái tóc Eton crop, để lộ nhiều phần cơ thể và chủ yếu được tô điểm bằng trang sức lộng lẫy: hoa tai dài, vòng cổ ngọc trai quấn nhiều vòng trên cổ và trang sức cài tóc. Hoa cài áo có thể dùng trang trí trên ngực, đính kết lên mũ chuông hoặc kết hợp với khăn choàng cổ, tạo thành thắt lưng trang trí hờ hững trên chiếc Flapper xúng xính điệu đà. Thời kỳ này, trang sức được phụ nữ sử dụng không quá lộng lẫy xa hoa như các thập niên trước, nhưng cũng không kém phần mỹ lệ để tôn lên vẻ quyến rũ riêng.
6. Những món phụ kiện thời trang khác
Theo sau khăn choàng cổ, găng tay là một trong những món phụ kiện không thể thiếu của các quý cô trong thập niên này. Sự tinh tế của thời trang yêu cầu các quý cô phải biết lựa chọn găng cổ tay hay găng tay opera cho những sự kiện trong ngày, hoặc găng dài đến khuỷu tay cho những sự kiện tiệc đêm, dạ hội.
Bên cạnh những chiếc mũ Cloche, Headband (băng đô) là món phụ kiện rất được ưa chuộng để tạo điểm nhấn cho mái tóc trông như “đàn ông” của phụ nữ thời kỳ này.
Túi xách hầu như chỉ được “nhắc” đến trong những buổi dạ tiệc đêm với mục đích trang trí. Túi xách của những năm 1920 chưa có sự bứt phá về phong cách, phần lớn được kế thừa từ những thời đại trước như: túi dây rút cầm tay Reticules, túi lưới kim loại (metal mesh),…Kiểu dáng túi xách được sử dụng bởi các quý cô của thập niên 20 chủ yếu nhỏ gọn, dạng hộp với thể tích chứa khiêm tốn, bọc satin, lụa, trang trí đính cườm, sequin hoặc thêu bằng chỉ óng ánh. Những chiếc túi này chỉ đủ nhỏ để chứa một vài món đồ dùng trang điểm thiết yếu, một ít tiền lẻ và thuốc lá.