Loét trực tràng đơn độc

Mục lục 1 Tìm hiểu chung 1.1 Hội chứng loét trực tràng đơn độc là gì? 2 Triệu chứng thường gặp 2.1 Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng loét trực tràng đơn độc là gì? 2.2 Khi nào bạn cần gặp bác sĩ? 3 Nguyên nhân gây bệnh 3.1 Nguyên nhân nào […]

Đã cập nhật 2 tháng 1 năm 2020

Bởi TopOnMedia

Loét trực tràng đơn độc

Tìm hiểu chung

Hội chứng loét trực tràng đơn độc là gì?

Hội chứng loét trực tràng đơn độc là tình trạng xảy ra khi một hoặc nhiều vết loét xuất hiện trong trực tràng. Trực tràng là một ống cơ nối vào phần cuối cuối đại tràng. Phân đi qua trực tràng để ra khỏi cơ thể.

Hội chứng loét trực tràng đơn độc là một rối loạn hiếm gặp và thường xảy ra ở những người bị táo bón mạn tính. Hội chứng loét trực tràng đơn độc có thể gây chảy máu trực tràng và rặn khi đi tiêu.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng loét trực tràng đơn độc là gì?

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng loét trực tràng đơn độc bao gồm:

  • Táo bón;
  • Chảy máu trực tràng;
  • Rặn khi đi tiêu;
  • Đau hoặc cảm giác đầy ở xương chậu;
  • Cảm giác đi không hết phân;
  • Tiêu phân nhầy;
  • Tiêu lắt nhắt;
  • Đau trực tràng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng loét trực tràng đơn độc?

Không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ ràng gây ra hội chứng loét trực tràng đơn độc. Các bác sĩ cho rằng căng thẳng hoặc tổn thương trực tràng có thể gây loét trực tràng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải hội chứng loét trực tràng đơn độc?

Hội chứng loét trực tràng đơn độc có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng loét trực tràng đơn độc?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây hội chứng loét trực tràng đơn độc như:

  • Sa trực tràng;
  • Co cơ mu trực tràng bất thường;
  • Táo bón mạn tính.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng loét trực tràng đơn độc?

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc:

  • Nội soi đại tràng sigma. Khi làm xét nghiệm này, bác sĩ sẽ chèn một ống mềm được trang bị kính vào trực tràng để kiểm tra trực tràng và một phần đại tràng. Nếu phát hiện có tổn thương, bác sĩ có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) để xét nghiệm;
  • Siêu âm. Kỹ thuật hình ảnh này sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh. Bác sĩ có thể đề nghị siêu âm để phân biệt hội chứng loét trực tràng đơn độc với các tình trạng khác;
  • Xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp đại tràng cản quang. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát trực tràng. Khi làm thủ thuật này, bác sĩ chèn một miếng mềm làm bằng barium vào trực tràng, sau đó miếng barium sẽ được thải khi bạn đi tiêu. Bác sĩ sẽ soi miếng barium trên tia X và đưa ra kết quả;
  • Chụp cộng hưởng từ. Xét nghiệm này được thực hiện trên một máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và cung cấp một hình ảnh 3 chiều của trực tràng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng loét trực tràng đơn độc?

Bác sĩ sẽ điều trị hội chứng loét trực tràng đơn độc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Những người có dấu hiệu và triệu chứng nhẹ có thể cảm thấy dễ chịu khi thay đổi lối sống, trong khi những người có các dấu hiệu và triệu chứng nặng hơn có thể cần phải điều trị.

Bạn có thể thực hiện các cách sau:

  • Thay đổi lối sống: thay đổi chế độ ăn uống, bao gồm việc tăng chất xơ trong chế độ ăn uống của bạn;
  • Liệu pháp hành vi để ngăn ngừa căng thẳng trong lúc đi tiêu: giúp bạn học cách thư giãn cơ bắp vùng chậu khi đi tiêu;
  • Phản hồi sinh học: một chuyên gia sẽ dạy bạn kiểm soát các phản ứng cơ thể không tự chủ như siết chặt hậu môn hoặc cơ sàn chậu trong quá trình đi tiêu. Phản hồi sinh học có thể giúp bạn làm quen sự căng cơ và kiểm soát nó;
  • Thuốc: một số phương pháp điều trị như steroid bôi tại chỗ, sulfasalazine và botulinum toxin (Botox®) có thể giúp làm giảm các triệu chứng loét trực tràng. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị này không hiệu quả đối với tất cả mọi người và một số vẫn được coi là thử nghiệm;
  • Phẫu thuật: bạn có thể phải thực hiện phẫu thuật sa trực tràng, cố định trực tràng, cắt bỏ trực tràng… Phẫu thuật cắt bỏ trực tràng có thể là một lựa chọn tốt nếu bạn có dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng loét trực tràng đơn độc?

Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn đối phó với hội chứng loét trực tràng đơn độc:

  • Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống. Chất xơ tăng khối cho phân và khối lớn sẽ giúp đẩy chất thải trong ruột ra dễ dàng với cử động ruột. Cố gắng ăn ít nhất 20 đến 35g chất xơ mỗi ngày. Nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm liệt kê lượng chất xơ trong khẩu phần ăn. Các nguồn tốt nhất có chất xơ là rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt. Ăn trái cây và rau còn vỏ và ăn toàn bộ trái cây và rau thay vì uống nước ép;
  • Thử thuốc nhuận tràng và thuốc làm mềm phân. Thuốc nhuận tràng chẳng hạn như Metamucil® và FiberCon® sẽ giúp hấp thụ nước trong ruột và làm cho các phân cứng hơn, giúp kích hoạt ruột co bóp và đẩy phân. Tuy nhiên, bạn nên uống thuốc với nhiều nước nếu không có thể gây tắc nghẽn. Thuốc giúp trộn nước vào phân và làm cho bạn dễ đi tiêu hơn;
  • Uống nước suốt cả ngày. Uống đủ nước và các dịch khác giúp giữ cho cử động ruột của bạn mềm mại và dễ đi tiêu. Bạn có thể thêm nước chanh vào nước cho dễ uống hoặc thử các loại đồ uống không chứa cacbon và không chứa caffeine khác. Nước ép mận có thể hữu ích vì nó có tác dụng nhuận tràng tự nhiên.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Tags: