Kỹ năng lắng nghe là gì? Lợi ích và cách rèn luyện kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp

Ai cũng thường nghĩ rằng bản thân là người biết lắng nghe, thế nhưng đó chỉ là việc nghe thông thường. Kỹ năng lắng nghe không đơn giản là nghe mà nó còn là sự thấu hiểu, trao đổi và học hỏi. Kỹ năng trong giao tiếp này rất quan trọng đối với mọi lứa […]

Đã cập nhật 8 tháng 2 năm 2023

Bởi Thảo Phạm

Kỹ năng lắng nghe là gì? Lợi ích và cách rèn luyện kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp

Ai cũng thường nghĩ rằng bản thân là người biết lắng nghe, thế nhưng đó chỉ là việc nghe thông thường. Kỹ năng lắng nghe không đơn giản là nghe mà nó còn là sự thấu hiểu, trao đổi và học hỏi. Kỹ năng trong giao tiếp này rất quan trọng đối với mọi lứa tuổi trong mọi lĩnh vực. Vậy định nghĩa cụ thể của kỹ năng này và lợi ích cũng như cách rèn luyện hiệu quả như thế nào? Cùng TheTips tìm hiểu ngay thông qua bài viết dưới đây.

Kỹ năng lắng nghe là gì?

Nghe là một phản xạ tiếp nhận mọi loại âm thanh tự nhiên của con người, nhưng lắng nghe là một kỹ năng cần phải rèn luyện qua thời gian dài mới có thể thành thạo. Kỹ năng lắng nghe là quá trình chủ động tập trung và mong muốn thấu hiểu thông điệp mà người nói truyền tải. Sau đó, người nghe bắt đầu phân tích những thông tin thu thập được và đưa ra phản hồi có ý nghĩa hoặc chia sẻ lời khuyên đến người đối diện.

Kỹ năng lắng nghe là một trong những kỹ năng phát triển bản thân và kỹ năng sống quan trọng giúp cuộc trò chuyện, giao tiếp đạt hiệu quả. Kỹ năng lắng nghe quyết định đến 90% thành công của mọi cuộc giao tiếp. Quá trình giao tiếp sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu như các bên tham gia biết lắng nghe một cách tích cực.

Kỹ năng lắng nghe giúp giao tiếp thành công
Kỹ năng lắng nghe rất quan trọng trong cuộc sống con người (Nguồn: Internet)

Một ví dụ về kỹ năng lắng nghe trong bán hàng, nhân viên cần phải biết lắng nghe hiệu quả để thấu hiểu khách hàng. Từ đó cung cấp những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của khách và thu lại giá trị cho công ty.

Vậy tại sao phải lắng nghe? Lắng nghe giúp bạn phát triển kỹ năng giao tiếp với những người xung quanh, kết nối cảm xúc giữa bạn và người đối diện. Khi bạn tiếp nhận thông tin đầy đủ, thấu hiểu vấn đề một cách kỹ càng, bạn có thể tìm ra được nguyên nhân gốc rễ, giúp bạn dễ dàng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề cho bản thân.

Vai trò của kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp

1. Trong công việc

Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần kỹ năng lắng nghe tốt. Kỹ năng lắng nghe có thể giúp cải thiện giao tiếp của bạn với đồng nghiệp, với cấp trên và đối tác. Nhân viên biết lắng nghe sẽ giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng, làm việc nhóm tốt hơn. Người lãnh đạo biết lắng nghe sẽ thấu hiểu nhân viên, tạo sự gắn kết trong doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công việc.

Lắng nghe giúp bạn giải quyết hiệu quả mâu thuẫn và phát triển mối quan hệ
Đồng nghiệp lắng nghe chia sẻ của nhau trong cuộc họp (Nguồn: Internet)

2. Trong cuộc sống

Lắng nghe cũng là một phương tiện quan trọng giúp bạn giải quyết hiệu quả mâu thuẫn trong cuộc sống và phát triển các mối quan hệ. Thay vì ngồi yên lặng hoặc nói quá nhiều, bạn hãy thể hiện mình là người biết nói, biết nghe. Lắng nghe không chỉ để tiếp thu kiến thức mà còn để hiểu nhau hơn, giúp mối quan hệ thêm khăng khít và tin tưởng, gắn bó.

Kỹ năng lắng nghe giúp cải thiện giao tiếp của bạn với mọi người
Lắng nghe giúp mối quan hệ thêm khăng khít và tin tưởng, gắn bó (Nguồn: Internet)

7 nguyên tắc vàng để rèn luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả

1. Tập trung vào cuộc giao tiếp để lắng nghe tốt hơn

Lắng nghe cho thấy bạn tôn trọng đối phương và tập trung vào cuộc giao tiếp. Giao tiếp là sự tương tác hai chiều, nếu bạn không tập trung lắng nghe, bạn sẽ không thể tiếp thu hết những điều mà đối phương muốn truyền thông.

Trong quá trình giao tiếp, sự thiếu tập trung và xao nhãng với những thứ xung quanh có thể khiến người nói khó chịu. Nếu bạn chỉ thản nhiên nghe, không chú ý và không hiểu đối phương nói gì, nghĩa là bạn chưa đặt mình vào câu chuyện, làm mất đi sự đồng cảm. Sự tập trung chú ý còn thể hiện ở cảm xúc, ánh mắt, thái độ và cử chỉ của bạn. Bạn nên hạn chế sử dụng điện thoại và tìm một không gian yên tĩnh để cuộc trò chuyện trở nên riêng tư, có chiều sâu hơn.

2. Lắng nghe với thái độ tích cực, không phán xét, áp đặt đối phương

Một người giỏi lắng nghe sẽ không phải là người chuyên phê bình, áp đặt người khác. Tập trung lắng nghe với thái độ tích cực là khi bạn thể hiện tư duy cởi mở với thông tin dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng đối phương.

Trong cuộc sống này, mỗi người có một quan điểm và tư tưởng khác nhau. Không chỉ nhân viên, cấp dưới mà nhà người làm kinh doanh muốn có kỹ năng lãnh đạo tốt cũng phải biết lắng nghe. Ở phương diện là người nghe, bạn nên chú ý tiếp thu với tư tưởng cởi mở và hạn chế cái tôi. Ngoài ra, học cách nhận diện vấn đề và trở thành người sâu sắc cũng rất giúp ích cho cuộc sống của bạn.

>> Xem thêm: Tư duy logic là gì? 10 phương pháp rèn luyện tư duy nhạy bén và hiệu quả nhất

3. Lắng nghe và không ngắt lời khi đối phương đang nói

Một người có thói quen ngắt lời người khác không thể là người biết lắng nghe tốt. Nếu bạn muốn lắng nghe tốt, hãy để đối phương có “không gian” nói thay vì giành phần nói của họ. Không những thế, việc bạn cắt ngang sẽ khiến đối phương khó chịu và không muốn chia sẻ nữa. Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu cảm giác của họ. Chắc hẳn bạn không hề thích bị người khác ngắt lời đúng không nào?

4. Đặt câu hỏi đúng cách để lắng nghe hiệu quả hơn

Chỉ mãi lắng nghe thôi thì vẫn chưa đủ, bạn không thể im lặng trong suốt một câu chuyện dài. Với những câu nói của người đối diện, bạn nên bày tỏ sự quan tâm bằng cách tương tác, đặt câu hỏi liên quan đến nội dung đang nói để gợi mở câu chuyện. Sự phản hồi của bạn sẽ giúp cho cuộc trò chuyện thêm được kéo dài và đi sâu hơn.

Tuy nhiên phải biết rằng, bạn cần có nghệ thuật đặt câu hỏi, phản hồi sao cho hợp lý. Đồng thời, việc bạn đặt câu hỏi đúng cách sẽ khiến họ muốn chia sẻ nhiều hơn với bạn. Kỹ năng đặt câu hỏi tinh tế sẽ thể hiện bạn là một người biết cách lắng nghe và quan tâm người khác.

5. Lắng nghe đồng thời biểu hiện sự khuyến khích người nói

Trong cuộc trò chuyện, nếu bạn chỉ im lặng, không phản ứng thì người nói ắt hẳn sẽ cảm thấy bạn thiếu tôn trọng họ. Vì thế bạn nên thể hiện thái độ đồng tình hoặc không với những câu nói của họ. Nếu có đồng tình bạn có thể gật đầu, cười, vỗ tay… hoặc không đồng tình bạn có thể hỏi ngược lại họ để tạo nên sự khuyến khích bàn luận về chủ đề đang nói đến. Việc này giúp tạo không khí thoải mái khi trò chuyện và thúc đẩy câu chuyện theo chiều hướng tốt lên.

6. Sử dụng ngôn ngữ hình thể thích hợp khi giao tiếp

Để có thể lắng nghe một cách hiệu quả, ngôn ngữ cơ thể đóng vai trò quan trọng đến những gì bạn tiếp thu và kết quả của cuộc trò chuyện. Ở khía cạnh cá nhân, việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể là một cách để gửi tín hiệu đến người đối diện. Dưới đây là một số cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể hiệu quả để tăng kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp:

  • Nhìn thẳng: Nhìn vào mắt người đối diện cho thấy sự tập trung, tôn trọng và thấu hiểu. Nếu là lắng nghe để chia sẻ, bạn hãy nhìn sâu vào ánh mắt họ, tạo cho họ cảm giác đồng cảm.
  • Gật đầu: Thể hiện việc bạn đồng ý với quan điểm của đối phương. Ngoài ra, nó còn thể hiện việc bạn đang thực sự quan tâm những điều mà họ chia sẻ. 
  • Không khoanh tay trước ngực: Việc này biểu thị cho hành động tự vệ, thiếu an toàn hoặc không chú ý. Nếu bạn thực hiện hành động này thì dù bạn đang lắng nghe cũng sẽ khiến đối phương cảm thấy không thoải mái.
  • Những cử chỉ khác: Hàng loạt các cử chỉ, tư thế khác nhau cho thấy mức độ quan tâm của bạn với chủ đề đang nói đến. Tuỳ thuộc vào mối quan hệ giữa những người trong cuộc trò chuyện và yếu tố ngoại cảnh mà bạn hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp.

7. Đưa ra các ý kiến cá nhân để phản hồi đối phương

Kỹ năng lắng nghe tốt không có nghĩa là bạn im lặng và lắng nghe người khác trong suốt cuộc trò chuyện. Điều đó sẽ khiến đối phương có cảm giác họ đang độc thoại. Bạn có thể cho thấy mình là một người biết lắng nghe bằng cách đưa ra quan điểm cá nhân của riêng bạn. Ngoài việc đặt câu hỏi, bạn cần đưa ra ý kiến cá nhân về câu chuyện của họ. Chẳng hạn như “Tôi cũng từng như bạn”, “Tôi hoàn toàn đồng ý”,… Đối phương sẽ cảm thấy được quan tâm và sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn. Đưa ra ý kiến cá nhân cũng là một lời khẳng định rằng bạn đã lắng nghe câu chuyện của họ.

Tài liệu và sách hay giúp cải thiện kỹ năng lắng nghe

Ngoài những nguyên tắc giúp rèn luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả ở trên, các bạn cũng nên tham khảo một số tài liệu dưới đây.

1. Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp – Sách tham khảo kỹ năng hay

Cuốn sách này được viết bởi Hiraki Noriko, nó sẽ cho bạn hiểu rằng: “Biết lắng nghe là bạn đã giành 50% chiến thắng”. Khi lắng nghe tốt, bạn không những tăng hiệu quả cuộc đối thoại mà còn gây ảnh hưởng tích cực lên người nói. Bạn có thể dễ dàng thuyết phục họ, đàm phán và tránh những xung đột không đáng có. Rất nhiều câu chuyện được chia sẻ cùng vô số mẹo nhỏ thú vị đang chờ bạn khám phá trong cuốn sách này.

Sách kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp hay
Cuốn sách chia sẻ những mẹo để thành công trong giao tiếp (Nguồn: Internet)

2. Kẻ thành công phải biết lắng nghe – Sách kỹ năng lắng nghe hay

Bạn có thường băn khoăn: “Tại sao họ lựa chọn người khác thay vì bạn?”, “Tại sao đồng nghiệp không ưa bạn, mọi người thất vọng về bạn?”, “Dù bạn đã rất cố gắng nhưng không ai hiểu bạn?”… Vậy thì hãy đi tìm ngay câu trả lời trong cuốn sách này. Bạn sẽ nhanh chóng tìm được đáp án và biết thêm nhiều bí kíp để chinh phục mọi người.

Sách kẻ thành công phải biết lắng nghe
Cuốn sách giúp bạn chinh phục mọi người thông qua kỹ năng lắng nghe (Nguồn: Internet)

3. Sức mạnh của lắng nghe – Sách về kỹ năng bạn nên đọc

Kỹ năng lắng nghe kém có thể ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Trong kinh doanh, thiếu lắng nghe sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong cuốn sách này, tác giả giới thiệu các kỹ năng thực hành lắng nghe với giọng văn súc tích và hài hước. Hãy rinh ngay cuốn sách này về nhà, bạn sẽ nhận thấy sức mạnh to lớn của việc lắng nghe.

Sức mạnh của lắng nghe - Bernard T.Ferrari
Cuốn sách nói về các kỹ năng lắng nghe trong kinh doanh (Nguồn: Internet)

4. Đôi tai thấu suốt thế gian – Tài liệu kỹ năng lắng nghe hay nhất

“Đôi tai thấu suốt thế gian” sẽ bật mí cho bạn đọc những kỹ năng lắng nghe từ các bậc thầy trong giao tiếp. Học hỏi từ người khác chính là cách giúp bạn cải thiện bản thân hiệu quả và nhanh chóng. 

Đôi tai thấu suốt thế gian - Tài liệu kỹ năng lắng nghe hay nhất
Học hỏi cách giao tiếp từ những bậc thầy trên thế giới (Nguồn: Internet)

>> Xem thêm: 10 cuốn sách kỹ năng giao tiếp giúp bạn tự tin trong cuộc sống

Kỹ năng lắng nghe là một trong những yếu tố quan trọng giúp cuộc hội thoại hiệu quả. Hy vọng với những chia sẻ trên của TheTips, bạn đã biết cách tự mình rèn luyện kỹ năng lắng nghe thật hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn hãy tậu ngay cho mình một cuốn sách để thấu hiểu hơn về cách lắng nghe nhé.

Tags: