Kế Toán Công Trình Là Gì? Mô Tả Công Việc Chi Tiết Nhất Hiện Nay

Ngành kế toán bao gồm nhiều vị trí khác nhau từ nhân viên kế toán nội bộ, kế toán thuế đến kế toán kho. Trong đó, có thể nói kế toán công trình là một vị trí rất đặc thù và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng CareerBuilder tìm hiểu chi […]

Đã cập nhật 8 tháng 9 năm 2022

Bởi anhnguyen

Kế Toán Công Trình Là Gì? Mô Tả Công Việc Chi Tiết Nhất Hiện Nay

Ngành kế toán bao gồm nhiều vị trí khác nhau từ nhân viên kế toán nội bộ, kế toán thuế đến kế toán kho. Trong đó, có thể nói kế toán công trình là một vị trí rất đặc thù và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng CareerBuilder tìm hiểu chi tiết công việc của kế toán công trình trong bài viết dưới đây nhé!

Kế toán công trình là gì?

Kế toán công trình có lẽ đã không còn xa lạ nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về vị trí này. Vậy Kế toán công trình là gì? là một trong những vị trí thuộc bộ phận phòng tài chính kế toán. Nhân viên kế toán công trình là những người được đào tạo nghiệp vụ kế toán và chuyên thực hiện các công việc chuyên môn liên quan đến xây dựng, dự trù kinh phí vật liệu,… tại các dự án hay công trình xây dựng. 

Trên thực tế, công việc của kế toán công trình có những điểm tương đồng với nhân viên kế toán tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, với điều kiện và môi trường làm việc đặc thù nên cũng có những điểm khác biệt như theo dõi tiến độ hoàn thành của từng hạng mục, tính toán chi phí cụ thể của từng loại nguyên vật liệu đầu vào,…

Ngoài ra, nhân viên kế toán công trình còn phải đảm nhiệm sự phân công trực tiếp của kế toán trưởng để thực hiện những việc như giám sát, kiểm tra, thực hiện thanh toán và đối chiếu chứng từ. 

Nhân viên kế toán công trình
Người thực hiện các công việc liên quan đến tính toán, xây dựng,… (Nguồn: Internet)

Đặc điểm của nghề kế toán công trình

Mỗi công trình sẽ đi kèm với một dự toán riêng, từ đó cần phải tách chi phí cho từng công trình. Nhân viên kế toán công trình sẽ tập hợp giá trị của dự án, các loại chi phí cấu thành bằng hoặc gần bằng giá trên bản dự toán do bộ phận kỹ thuật cung cấp. Sau đó, kết hợp với các bộ phận khác để hoàn thành bản hạch toán từng khoản chi phí. 

Phần chi phí của một công trình sẽ chia theo các khoản mục gồm nguyên vật liệu, thiết bị thi công, nhân công,… Mỗi khoản chi phí sẽ có mức tiêu hao riêng nên việc tính toán cần phải rành mạch, kín kẽ để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc. Bên cạnh đó, mỗi địa điểm thi công công trình sẽ có một mức giá thành sản phẩm khác nhau. 

Vậy có thể hiểu rằng, đặc điểm của một nhân viên kế toán công trình sẽ phải làm rất nhiều công việc từ kế toán khokế toán tổng hợp đến nghiệm thu công trình, tách chi phí dự án, bảng lương,…

Tham khảo thêm: 

QC Là Gì? Nghề QC Như Thế Nào? Các Phương Pháp QC?

7 Kỹ Năng Mềm Được Nhà Tuyển Dụng Đánh Giá Cao

Công việc chính của kế toán công trình

Về cơ bản, công việc của nhân viên kế toán công trình sẽ có các điểm tương đồng với nhân viên kế toán tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện làm việc đặc biệt nên công việc này cũng có những điểm khác biệt nhất định. Dưới đây là những công việc chính:

  • Theo dõi, quản lý các dự án xây dựng cho doanh nghiệp.
  • Tính toán chi phí và phân chia cụ thể của từng loại nguyên vật liệu đầu vào, sắp xếp theo từng hạng mục cụ thể.
  • Theo dõi các khoản chi phí xây dựng theo từng giai đoạn và tiến độ dự án đang triển khai.
  • Theo dõi ngày công, bảng lương của nhân công.
  • Xác định tính chính xác của các chứng từ kế toán trước khi hạch toán.
  • Chuẩn bị đầy đủ hóa đơn, chứng từ, báo cáo tài chính khi đến hạn.
  • Lưu trữ sổ sách liên quan đến công việc.

Nghiệp vụ của nghề kế toán công trình

  • Tiến hành lập các bảng theo dõi ngày công của nhân lực để tính toán tiền công.
  • Phân chia các khoản chi phí nguyên vật liệu chính xác, rõ ràng theo định mức xây dựng.
  • Tập hợp, phân chia các khoản chi phí nguyên vật liệu theo định mức xây dựng và tìm cách sắp xếp chi phí tính giá thành sản phẩm từng hạng mục của công trình.
  • Theo dõi và lập báo cáo thuế định kỳ theo quy định và báo cáo tài chính vào thời điểm cuối năm.
  • Thường xuyên kiểm tra những hạng mục còn dang dở của công trình xây dựng.
  • Hạch toán nghiệm thu công trình, lập báo cáo tài chính nội bộ để phục vụ cho yêu cầu quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp.
  • Tập hợp, thu thập, lưu trữ và bảo mật tài liệu, giấy tờ liên quan đến các dự án, công trình cẩn thận và logic.
  • Lấy hóa đơn đầu vào cho công trình xây dựng để giải trình từng số liệu của công trình khi được yêu cầu thanh tra kiểm tra hay khi quyết toán.

Yêu cầu để trở thành một kế toán công trình

Nếu như bạn đang theo học chuyên ngành kế toán và yêu thích lĩnh vực xây dựng thì việc làm kế toán công trình chính là lựa chọn hoàn hảo. Để có thể trở thành kế toán công trình thì chắc chắn các ứng viên cần phải đáp ứng được những điều kiện sau:

  • Tốt nghiệp các trường đại học chuyên ngành kế toán.
  • Đã từng làm việc ở các vị trí tương đương ít nhất 1 năm.
  • Am hiểu về nghiệp vụ kế toán, các lĩnh vực tài chính, các quy định về luật, thuế, chuẩn mực tài chính kế toán.
  • Thành thạo các kỹ năng tổng hợp, thu thập thông tin, lập báo cáo và thống kê.
  • Sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán công trình bằng Excel.
  • Cần nắm rõ các quy trình hạch toán kế toán.

Ngoài ra, bạn cần phải có một sức khỏe tốt, khả năng chịu được áp lực công việc. Những người làm kế toán công trình luôn rất mệt mỏi với hàng loạt các khoản chi phí, nguyên vật liệu, tiến trình xây dựng. Vì vậy, nếu như bạn quyết định làm công việc này, thì phải luôn trong tâm thế  sẵn sàng đối mặt với khối lượng  công việc lớn.

Những yếu tố cần có để trở thành kế toán công trình

Đây là phần rất quan trọng của mỗi ngành nghề, vì thế bạn cần phải bổ sung thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ công việc của mình trong tương lai Rất nhiều người thắc mắc liệu kế toán công trình có khó không và công việc này cần những điều kiện gì?. Dưới đây là những kiến thức chuyên môn và kỹ năng mà một nhân viên kế toán công trình cần có.

Về kiến thức

  • Có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kế toán công trình.
  • Nắm rõ các khái niệm liên quan đến ngành xây dựng như bản vẽ chi tiết, bản vẽ thô và quyết toán công trình.
  • Biết đọc hiểu tốt bảng dự toán công trình và lập kế hoạch kinh doanh.
  • Hiểu về các quy định luật pháp Việt Nam và luật thuế.

Về thái độ

  • Thân thiện, dễ gần và tích cực giúp đỡ đồng nghiệp.
  • Năng lực tư duy tốt, nhạy bén với số liệu.
  • Yêu thích công việc, ham học hỏi và cầu tiến.
  • Hoàn thành công việc được giao đúng deadline, cẩn thận, rõ ràng.

Về kỹ năng

  • Kỹ năng quản lý rủi ro và giải quyết vấn đề.
  • Kỹ năng tổ chức logic, quản lý thời gian.
  • Kỹ năng làm việc nhóm.
  • Kỹ năng giao tiếp và đàm phán với khách hàng.

Mức lương của kế toán công trình 

Hiện nay, mức thu nhập của nhân viên kế toán công trình tương đối tốt. Theo VietnamSalary.vn, mức lương trung bình của công việc này có thể dao động từ 10.100.000 – 12.000.000 VNĐ/tháng tùy vào năng lực và kinh nghiệm làm việc. Ngoài ra, nếu bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhận được hoa hồng từ chủ đầu tư thì mức lương có thể lên đến  20.000.000 VNĐ/tháng. 

Những thách thức của kế toán công trình 

Kế toán công trình là công việc mang tính chất đặc thù nên có rất nhiều áp lực. Vì vậy, nếu bạn lựa chọn trở thành nhân viên kế toán công trình thì phải sẵn sàng đối mặt với  những thách thức sau:

Khối lượng công việc 

Công việc của nhân viên kế toán công trình sẽ trải dài từ thời điểm nhận công trình đến khi nghiệm thu và bàn giao công trình. Trong suốt thời gian này, bạn phải liên tục giám sát, tính toán các khoản chi phí để không xảy ra thất thoát. Đồng thời, bạn cần nắm bắt được tiến độ làm việc của số lượng lớn công nhân xây dựng để đảm bảo thời hạn bàn giao công trình.

Thời gian làm việc không cố định 

Thông thường, thời gian làm việc của một nhân viên kế toán sẽ không cố định. Chẳng hạn như, ở thời điểm bắt đầu thì công việc của bạn tương đối đơn giản và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, khi công trình đi vào triển khai sẽ có nhiều hạng mục phát sinh. Lúc này, bạn cần phải tăng thời gian làm việc để đáp ứng khối lượng công việc. Lời khuyên là bạn nên có  chế độ nghỉ ngơi hợp lý  để theo kịp tiến độ và cân bằng công việc của mình.

Dễ ảnh hưởng đến sức khỏe

Khi làm việc trong môi trường áp lực kéo dài  sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng và dẫn đến tình trạng stress. Đôi khi bạn cũng phải xuống công trình để giám sát, kiểm tra độ chính xác, tiến độ thi công và nghiệm thu để kịp bàn giao công trình. Dù thời gian nghiệm thu không quá dài nhưng khói bụi, hóa chất,… tại công trình cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Kế toán công trình là công việc mang tính chất đặc thù
Kế toán công trình là công việc mang tính chất đặc thù nên có rất nhiều áp lực (Nguồn: Internet)

Những câu hỏi phỏng vấn kế toán công trình thường gặp

Những câu hỏi thường gặp khi tham gia phỏng vấn xin việc kế toán công trình

  • Tại sao bạn lựa chọn công việc kế toán công trình?
  • Bạn hiểu thế nào về quy trình chi phí và giá thành công trình xây dựng?
  • Theo bạn kỹ năng quan trọng để thành công của một nhân viên KTCT là gì?
  • Các loại báo cáo cần làm khi bạn trở thành nhân viên kế toán công trình?
  • Bạn hãy nêu cách lập và phân tích báo cáo tài chính điển hình hiện nay.
  • Những phần mềm kế toán hiện nay là gì? Bạn đã biết sử dụng những phần mềm kế toán nào?
  • Bạn hãy nêu quy trình tiến hành tất toán tài khoản kế toán hiện nay.

Mỗi nhà tuyển dụng sẽ có cách đặt câu hỏi khác nhau để kiểm tra trình độ của ứng viên. Chính vì thế, bạn cần bổ sung thêm nhiều kiến thức chuyên ngành để hoàn thành tốt buổi phỏng vấn. Nhưng đừng quá lo lắng, hãy chuẩn bị thật tốt và thể hiện bản thân hết mình với nhà tuyển dụng nhé! 

Hy vọng, qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về công việc kế toán công trình và đưa ra những lựa chọn phù hợp cho  bản thân. Hãy nhanh tay  truy cập ngay CareerBuilder.vn  để ứng tuyển vào vị trí kế toán công trình hoặc tìm thêm những công việc ưng ý cùng mức lương hấp dẫn nhé!