Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm hormone vỏ thượng thận (ACTH, corticotropin)
Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: máu
Tìm hiểu chung
Xét nghiệm hormone vỏ thượng thận là gì?
Xét nghiệm hormone vỏ thượng thận (ACTH) được dùng để kiểm tra chức năng của thuỳ trước tuyến yên và tìm nguyên nhân của hội chứng Cushing (sản xuất quá mức cortisol) và bệnh Addison (sản xuất không đủ cortisol).
ACTH là một hormone quan trọng của cơ thể được tạo ra từ thùy trước tuyến yên. Đầu tiên, Hormone giải phóng Corticotropin (CRH) được tạo ra ở vùng dưới đồi. Hormone này sẽ kích thích sản xuất ACTH ở tuyến yên. Sau đó, tới lượt ACTH kích thích vỏ thượng thận sản xuất cortisol. Nếu mức cortisol trong máu quá cao nó sẽ quay lại ức chế không cho CRH và ACTH tạo ra nữa.
Ở bệnh nhân mắc hội chứng Cushing. Có hai trường hợp có thể xảy ra:
- Thứ nhất là nguyên nhân do ACTH cao: có thể là do khối u sinh ACTH nằm ở tuyến yên hay nằm ngoài tuyến yên, thường ở phổi, tuyến tụy, tuyến ức, hoặc buồng trứng.
- Thứ hai, nếu mức ACTH là dưới mức bình thường ở bệnh nhân bị hội chứng Cushing thì nguyên nhân thường là u tuyến thượng thận hoặc ung thư biểu mô gây tăng bài tiết cortisol quá mức.
Nếu bạn bị bệnh Addison, lượng ACTH cao cho thấy nguyên nhân là nằm ở tuyến thượng thận, như tổn thương tuyến thượng thận do nhồi máu, xuất huyết, hoặc tự miễn dịch; phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận; thiếu hụt enzym bẩm sinh; hoặc ức chế tuyến thượng thận sau khi dùng kéo dài steroid ngoại sinh. Nếu mức ACTH dưới mức bình thường ở bệnh nhân bị suy thượng thận, có thể nguyên nhân là do suy tuyến yên.
Người ta chú ý rằng có một biến đổi theo ngày đêm của nồng độ ACTH tương ứng với sự biến đổi nồng độ cortisol. Nồng độ cuả mẫu buổi tối (8 đến 10 giờ tối) thường bằng một nửa đến hai phần ba so với mẫu buổi sáng (4 đến 8 giờ sáng). Biến đổi trong ngày sẽ bị mất khi mắc bệnh (đặc biệt là khối u) ảnh hưởng đến tuyến yên hoặc tuyến thượng thận. Tương tự như vậy, sự căng thẳng có thể làm mờ đi hoặc loại bỏ biến đổi bình thường trong ngày.
Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm hormone vỏ thượng thận?
Xét nghiệm ACTH huyết thanh được thực hiện khi bác sĩ nhận thấy bạn có những triệu chứng và dấu hiệu liên quan đến thiếu hụt hay dư thừa cortisol.
Giảm cortisol sẽ có các triệu chứng:
- Giảm cân không giải thích được;
- Huyết áp thấp;
- Mất cảm giác thèm ăn;
- Yếu cơ;
- Đau cơ và khớp;
- Da sậm màu;
- Tính tình thay đổi;
- Hay khó chịu.
Đối với trường hợp cortisol tăng trong máu thì sẽ có các triệu chứng:
- Mặt mụn;
- Mặt tròn nhiều mỡ;
- Béo phì;
- Mọc lông nhiều ở mặt và tóc dày hơn;
- Bất thường kinh nguyêt ở nữ.
Điều cần thận trọng
Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm hormone vỏ thượng thận?
Yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm bao gồm:
- Căng thẳng (chấn thương, chất gây sốt, hay hạ đường huyết) và mang thai có thể làm tăng nồng độ.
- Các phương pháp chụp ảnh bằng phóng xạ được tiến hành gần đây có thể ảnh hưởng đến nồng độ ACTH.
- Những thuốc có thể làm tăng nồng độ ACTH gồm aminoglutethimide, amphetamines, estrogen, ethanol, insulin, metyrapone, spironolactone, và vasopressin.
- Corticosteroid có thể làm giảm nồng độ ACTH.
Trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.
Quy trình thực hiện
Bạn nên làm gì trước khi thực hiện xét nghiệm hormone vỏ thượng thận?
Bác sĩ sẽ giải thích các thủ tục xét nghiệm cho bạn. Bạn không được ăn uống từ sau nửa đêm trước ngày xét nghiệm.
Bạn nên báo với bác sĩ nếu bạn bị rối loạn giấc ngủ bởi vì giấc ngủ của bạn có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ cortisol trong máu. Với thói quen ngủ bình thường, mức ACTH là cao nhất vào giữa 4 giờ sáng và 8 giờ sáng và thấp nhất khoảng 9 giờ đêm.
Ngày đi làm xét nghiệm, bạn nên mặc áo ngắn tay để điều dưỡng có thể dễ dàng lấy máu từ cánh tay của bạn.
Quy trình thực hiện xét nghiệm hormone vỏ thượng thận là gì?
Chuyên viên y tế lấy máu sẽ:
- Quấn một dải băng quanh tay để ngưng máu lưu thông;
- Sát trùng chỗ tiêm bằng cồn;
- Tiêm kim vào tĩnh mạch. Có thể tiêm nhiều hơn 1 lần nếu cần thiết;
- Gắn một cái ống để máu chảy ra;
- Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu;
- Thoa miếng gạc băng hay bông gòn lên chỗ vừa tiêm;
- Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm;
- Giữ ống máu mát để tránh sự giảm nồng độ của ACTH bởi các enzym.
Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm hormone vỏ thượng thận?
Bạn có thể không cảm thấy đau khi bị kim đâm vào, ở một số người có thể có cảm giác đau như bị kim chích khi kim đâm qua da. Nhưng khi kim đã nằm trong tĩnh mạch và bắt đầu hút máu thì đa số mọi người không cảm thấy đau nữa. Nói chung, mức độ đau của bạn phụ thuộc vào kỹ năng lấy máu của điều dưỡng, tình trạng tĩnh mạch của bạn và mức độ nhạy cảm của bạn với cơn đau.
Sau khi lấy máu, bạn cần băng và ép nhẹ lên vùng chọc tĩnh mạch lấy máu để giúp cầm máu. Bạn có thể trở lại hoạt động bình thường sau xét nghiệm.
Chuyên viên xét nghiệm sẽ đặt các mẫu xét nghiệm trong nước đá và gửi đến phòng xét nghiệm hóa học ngay lập tức. ACTH là một peptide rất không ổn định trong huyết tương và cần được bảo quản ở -20 ° C để ngăn chặn nó bị phân hủy, sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc về quy trình thực hiện hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Hướng dẫn đọc kết quả
Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?
Kết quả bình thường:
- Vào buổi sáng AM:
- Vào buổi chiều PM:
Nồng độ tăng có thể do:
- Bệnh Addison (suy thượng thận nguyên phát);
- Hội chứng Cushing (tăng sản tuyến thượng thận phụ thuộc);
- Hội chứng ACTH lạc chỗ;
- Căng thẳng;
- Hội chứng Adrenogenital (tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh).
Nồng độ giảm có thể do:
- Suy thượng thận thứ cấp (suy tuyến yên);
- Hội chứng Cushing;
- Suy tuyến yên;
- U tuyến thượng thận hoặc ung thư biểu mô;
- Dùng steroid.
Chẩn đoán cần phải phối hợp với các xét nghiệm khác cũng như khám lâm sàng. Bạn nên hỏi ý kiến chuyên viên xét nghiệm hoặc bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm và sau khi có kết quả để có chẩn đoán bệnh chính xác.
Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.