Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì Hà Giang mùa lúa chín

Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở phía Bắc, Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu ái ban tặng khung cảnh đẹp như tranh vẽ, khiến những du khách đã từng một lần ghé thăm đều muốn quay lại thêm nhiều lần nữa. Bạn hãy cùng Thetips khám phá nét đẹp […]

Đã cập nhật 14 tháng 9 năm 2022

Bởi The Tips

Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì Hà Giang mùa lúa chín

Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở phía Bắc, Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu ái ban tặng khung cảnh đẹp như tranh vẽ, khiến những du khách đã từng một lần ghé thăm đều muốn quay lại thêm nhiều lần nữa. Bạn hãy cùng Thetips khám phá nét đẹp của vùng đất cực Bắc tổ quốc này và lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới thôi!

Giới thiệu về Hoàng Su Phì

Hoàng Su Phì nghĩa là gì?

toan-canh-hoang-su-phi
Nơi đây còn được biết đến với tên gọi là “Vùng đất vỏ cây vàng” (Nguồn: Sưu tầm)

Tên của mỗi địa danh trên khắp đất nước Việt Nam đều mang một ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với quá trình phát triển của cả vùng đất và con người nơi đó. Hoàng Su Phì cũng không ngoại lệ. Cái tên này được gọi theo truyền thuyết lâu đời của người La Chí, dịch nghĩa là “Vỏ cây vàng”.

Truyền thuyết kể rằng, thuở xa xưa khi Đại Hồng Thủy nhấn chìm vạn vật, chỉ có một cây cổ thụ cao lớn có vỏ màu vàng còn sống sót. Con người cũng vì thế mà tìm đến đây nương dựa, dần dần phát triển thành một cộng đồng lớn mạnh. Chính vì thế người xưa đặt tên nơi đây là Hoàng Su Phì hay “vùng đất vỏ cây vàng”.

Huyện Hoàng Su Phì nằm ở đâu?

Đây là huyện một miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, thuộc tuyến vòng cung du lịch Lào Cai  – Hà Giang – Cao Bằng. Hiện tại, huyện có tổng cộng 24 xã và 1 thị trấn với tổng chiều dài đường biên hơn 40km. 

khung-canh-ruong-bac-thang
Khung cảnh hùng vĩ của vùng đất vỏ cây vàng (Nguồn: Sưu tầm)

Hoàng Su Phì nằm ở khu vực thượng nguồn sông Chảy nên địa hình chính chủ yếu là đồi núi, có độ dốc lớn và bị chia cắt bởi các con suối lớn nhỏ. Hơn nữa, nhờ nằm trên cung đường nối liền các khu vực phía Đông và Tây Bắc nên nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng khung cảnh hùng vĩ và sở hữu các nét văn hóa độc đáo, đa dạng của hơn 12 dân tộc anh em. 

Lịch sử Hoàng Su Phì

Trước đây khu vực này thuộc châu Bình Nguyên dưới thời Nhà Lý. Đến cuối đời Lê, Bình Nguyên được đổi tên là châu Vị Xuyên, thuộc phủ Tương Yên, Tuyên Quang. Sau đó đến năm 1831, châu Vị Xuyên lại tách thành hai huyện Vị Xuyên và Vĩnh Tuy.

Vào ngày 20 tháng 8 năm 1891, tỉnh Hà Giang được thành lập trên cơ sở huyện Vĩnh Tuy và phủ Tương Yên. Kể từ đó huyện Vị Xuyên thuộc Hà Giang, sau đó được chia thành hai huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì.

Tiếp đến năm 1965 huyện Hoàng Su Phì lại được chia thành 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Sau nhiều lần điều chỉnh về quản lý hành chính, đến nay huyện Hoàng Su Phì có tổng cộng 1 thị trấn và 24 xã như hiện nay.

Nên ghé thăm quan và du lịch Hoàng Su Phì vào mùa nào?

Như đã đề cập ở trên, địa hình của Hoàng Su Phì chủ yếu là đồi dốc và bị chia cắt mạnh nên có đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng cũng như cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng. Mỗi một thời điểm trong năm, nơi đây lại có những điều thú vị riêng để bạn khám phá, trải nghiệm.

Vào mùa xuân, Hoàng Su Phì ngập tràn không khí lễ hội, thu hút du khách khắp nơi đổ về tham gia. Ngoài ra, thời điểm này cũng là lúc các đồi chè, vườn đào lê đang độ đẹp nhất, tạo nên khung cảnh thơ mộng hiếm có.

Đến khoảng tháng 4, vùng núi vào mùa cấy lúa. Du khách đến thăm vùng đất vỏ cây vàng dịp này sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng ruộng bậc thang trong mùa nước đổ.

mua-lua-chin-hoang-su-phi
Mỗi một mùa trong năm, vùng đất này lại mang một vẻ đẹp đầy mê hoặc (Nguồn: Sưu tầm)

Từ giữa tháng 9 trở đi, Hoàng Su Phì sẽ vào mùa lúa chín. Khung cảnh những cánh đồng vàng rực trải dài khắp các sườn đồi chắc chắn sẽ để lại cho du khách nhiều ấn tượng khó phai.

Cuối năm, khung cảnh núi rừng lại mang một vẻ đẹp hoàn toàn khác. Giữa cái lạnh se sắt của đất trời, du khách có thể cảm nhận hơi ấm trong các ngôi nhà vùng cao hay đến Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi săn mây, săn tuyết.

Mỗi một mùa trong năm, Hoàng Su Phì lại khoác lên mình một vẻ đẹp hiếm có. Vậy nên, tùy theo sở thích và dự định cá nhân, chỉ có bạn mới quyết định được đâu là thời điểm tuyệt vời nhất để ghé thăm nơi này.

Hướng dẫn di chuyển đến Hoàng Su Phì

Để di chuyển đến Hoàng Su Phì Hà Giang, du khách có thể lựa chọn các hình thức sau:

Sử dụng phương tiện công cộng

  • Di chuyển từ Hà Nội đến Hà Giang: Từ bến xe Mỹ Đình du khách có thể lựa chọn xe giường nằm để đến Hà Giang. Hằng ngày có rất nhiều nhà xe đi tuyến này, thường xuất phát vào khoảng 8-9 giờ tối và có mặt tại Hà Giang khoảng 5 giờ sáng.
  • Di chuyển từ Hà Giang đến Hoàng Su Phì: Từ Hà Giang, du khách có thể di chuyển bằng xe máy đến Hoàng Su Phì. Có 2 tuyến đường cho bạn lựa chọn là đi ngược lại quốc lộ 2 đến Tân Quang, sau đó rẽ vào đường DT177 hoặc lên phía cửa khẩu Thanh Thủy vượt Tây Côn Lĩnh để đi Hoàng Su Phì.

Sử dụng phương tiện cá nhân

Với các du khách sử dụng phương tiện cá nhân, bạn có thể đi theo hướng quốc lộ 2 đến thẳng Hoàng Su Phì. Sau đó bạn có thể rẽ qua Xín Mần, Bắc Hà rồi quay về Hà Nội từ hướng Yên Bái. Đi theo tuyến này, bạn có thể kết hợp khám phá nhiều địa điểm mà không cần phải quay lại đường đi ban đầu.

Các điểm tham quan không thể bỏ lỡ khi đến Hoàng Su Phì

Với các tín đồ du lịch, hẳn đã không dưới một lần được nghe qua vẻ đẹp của Hoàng Su Phì. Nét đẹp nơi đây không chỉ bởi thiên nhiên ưu ái mà còn nhờ những nét văn hóa vô cùng đặc trưng, được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Nếu bạn dự định ghé thăm Hoàng Su Phì trong thời gian tới, dưới đây là những điểm tham quan hàng đầu dành cho bạn:

1. Ruộng bậc thang Bản Phùng

ruong-bac-thang-ban-phung
Vẻ đẹp ruộng bậc thang Bản Phùng (Nguồn: Sưu tầm)

Ruộng bậc thang Bản Phùng là nơi có những thửa ruộng cao nhất Việt Nam, nằm cheo leo trên những triền dốc dựng đứng. Từ thị trấn Vinh Quang, để di chuyển đến nơi này, du khách phải vượt qua một con đèo nhỏ khá hiểm trở, có chiều dài khoảng 30km. Tuy nhiên, công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng với khung cảnh ngoạn mục mà xã ven biên giới Trung Quốc này mang lại. Đặc biệt, khi đến Hoàng Su Phì mùa lúa chín, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp nên thơ của vùng cực Bắc tổ quốc mà rất khó tìm thấy ở nơi khác.

2. hoa tam giác mạch

Bên cạnh ruộng bậc thang thì hoa tam giác mạch là điểm đặc trưng của vùng núi đá tai mèo. Loài hoa mang vẻ đẹp mỏng manh với sắc hồng đầy thơ mộng khiến khung cảnh Hoàng Su Phì vào mùa đông lại càng khó quên. Nếu trước đây hoa chỉ mọc tự nhiên trong các thung lũng, triền núi thì giờ đây, người dân cũng đã bắt đầu trồng hoa tại các thửa ruộng bậc thang. Mỗi năm vào cuối thu, khi lúa đã gặt xong cũng là thời điểm hoa tam giác mạch bắt đầu khoe sắc, mang đến vẻ đẹp lay động lòng người.

hoa-tam-giac-mach
Vườn hoa tam giác mạch (Nguồn: Sưu tầm)

3. Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi

Chiêu Lầu Thi nằm cách trung tâm Hoàng Su Phì khoảng 42km, là một trong những đỉnh núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Điểm cao nhất của đỉnh núi có độ cao khoảng 2402m so với mực nước biển, có tầm nhìn bao quát cả một khu vực rộng lớn. Đây cũng là một trong những điểm săn mây lý tưởng mà nhiều phượt thủ lựa chọn. 

dinh-nui-chieu-lau-thi
Đỉnh núi Chiêu Lầu Thi – Địa điểm săn mây lý tưởng (Nguồn: Sưu tầm)

4. Chợ phiên Hoàng Su Phì

Chợ phiên là một trong những đặc trưng văn hóa của khu vực miền núi phía Bắc nói chung và Hoàng Su Phì nói riêng. Chợ diễn ra vào chủ nhật hàng tuần, dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Việc mua bán ở đây khá đơn giản, người dân trao đổi những vật phẩm cần thiết trong đời sống như rau quả, vải vóc, vật dụng làm nương rẫy… Điều quan trọng là họ được gặp gỡ, giao lưu và mặc những bộ váy áo đẹp, giúp nâng cao đời sống tinh thần.

cho-phien-hoang-su-phi
Chợ phiên họp dưới chân núi Tây Côn Lĩnh (Nguồn: Sưu tầm)

5. Đền Suối Thầu

Đền Suối Thầu tọa lạc trên sườn núi thuộc thôn Suối Thầu, xã Bản Luốc, bao quanh bởi những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Theo bút tích còn lưu lại thì ngôi đền được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 3 (1793). Tương truyền, đây là nơi thờ tự các vị thần, rất linh thiêng. Đền vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, mang nét cổ kính của lối kiến trúc xưa.

6. Khu mộ cổ của dân tộc La Chí

Dân tộc La Chí là một trong những dân tộc định cư lâu đời tại Hoàng Su Phì nên nơi đây còn lưu lại nhiều công trình cổ, thể hiện đặc trưng văn hóa của người dân. Trong số đó phải kể đến các ngôi mộ cổ nằm rải rác trên địa bàn xã Bản Phùng, Bản Máy thuộc huyện Hoàng Su Phì. Trải qua hàng trăm năm, những ngôi mộ này vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn. 

7. Tây Côn Lĩnh

Dãy Tây Côn Lĩnh trải dài trên hai huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì, thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy phía tây Hà Giang. Đây là đỉnh núi cao nhất ở khu vực phía Đông Bắc với chiều cao lên đến 2419m. Dãy Tân Côn Lĩnh là dãy núi linh thiêng của người dân tộc La Chí, bên dưới chân núi là rừng nguyên sinh thuộc diện bảo tồn nên còn giữ nguyên được nét hoang sơ, hùng vĩ vốn có.

day-tay-con-linh
Dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ hoang sơ (Nguồn: Sưu tầm)

8. Đền Vinh Quang

Với các du khách yêu thích kiến trúc cổ hoặc du lịch tâm linh, đừng quên ghé thăm đền Vinh Quang nằm ở trung tâm thị trấn Vinh Quang thuộc huyện Hoàng Su Phì. Ngôi đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, thờ các vị thần theo tín ngưỡng dân gian và chánh tổng Hoàng Văn Đăng.

Một số lưu ý khi đi du lịch Hoàng Su Phì tự túc

Hoàng Su Phì là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng còn khá hẻo lánh và khó di chuyển. Do đó, để có một chuyến đi trọn vẹn, du khách nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên lên kế hoạch và đặt phòng càng sớm càng tốt, đặc biệt là vào mùa du lịch vì lượng phòng ở đây khá ít và tập trung chủ yếu ở trung tâm tỉnh Hà Giang.
  • Bạn nên sắp xếp lịch trình di chuyển chi tiết để tránh mất thời gian do khoảng cách giữa các địa điểm thường khá xa.
  • Nơi đây là một trong những vùng núi có độ cao trung bình khá lớn nên nhiệt độ khá thấp giữa các khu vực. Do đó bạn nên chuẩn bị đủ quần áo ấm và đồ bảo hộ để đảm bảo chuyến đi được thuận tiện.
  • Nên kiểm tra xe thật kỹ trước khi khởi hành, chuẩn bị xăng dự trữ và dụng cụ sửa xe cơ bản.
  • Chuẩn bị thực phẩm và nước uống gọn nhẹ để sử dụng trong quá trình di chuyển.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản cần thiết về Hoàng Su Phì dành cho những du khách quan tâm và có dự định ghé thăm vùng đất này trong thời gian tới. Chúc bạn có những chuyến đi đáng nhớ và đừng quên theo dõi Thetips để cập nhật thêm những địa điểm thú vị khác trên khắp Việt Nam!

Tags: