Gửi tiết kiệm ngân hàng có rủi ro gì không?

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhiều người cho rằng, dù lãi suất thấp nhưng việc gửi tiền vào ngân hàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn. Thực tế, gửi tiết kiệm ngân hàng có rủi ro nào? Mục lục 1 1. Ngân […]

Đã cập nhật 26 tháng 8 năm 2021

Bởi TopOnMedia

Gửi tiết kiệm ngân hàng có rủi ro gì không?

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, nhiều người cho rằng, dù lãi suất thấp nhưng việc gửi tiền vào ngân hàng được đánh giá là kênh đầu tư an toàn. Thực tế, gửi tiết kiệm ngân hàng có rủi ro nào?

Rủi ro khi gửi tiết kiệm ngân hàng

1. Ngân hàng có thể phá sản

Rủi ro khi gửi tiết kiệm ngân hàng đầu tiên có thể đến từ việc ngân hàng bị phá sản.

Theo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017:

Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a hoặc khoản 7 Điều 151d của Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Như vậy, ngân hàng hoàn toàn có thể bị phá sản nếu hoạt động không hiệu quả.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, các ngân hàng được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.

Cũng theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm gồm cả gốc và lãi tối đa là 75 triệu đồng.

Chẳng hạn: Ông Minh gửi vào ngân hàng A 1 tỷ đồng. Ngân hàng A tham gia bảo hiểm tiền gửi, sau khi phá sản, ông A được bảo hiểm chi trả tối đa 75 triệu đồng.

Đây chính là rủi ro khi đem tiền gửi vào ngân hàng, tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ rủi ro này là rất thấp bởi ngân hàng nếu không hoạt động không hiệu quả sẽ được thực hiện nhiều phương án như phục hồi, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, giải thể, chuyển giao bắt buộc. Nếu vẫn không hiệu quả thì phá sản là phương án cuối cùng.

2. Rủi ro do gửi tiền bên ngoài ngân hàng

Rủi ro khi gửi tiền ngân hàng đến từ việc một số khách hàng yêu cầu được nhận tiền gửi và mở sổ tiết kiệm không phải ở ngân hàng. Thường những người này là khách VIP nên ngân hàng hỗ trợ làm thủ tục tại nhà. Đồng thời, bản thân họ cũng có mối quan hệ thân thiết, đã giao dịch nhiều lần đối với nhân viên ngân hàng.

Từ kẽ hở này, khách hàng có thể trở thành nạn nhân do lòng tham của chính nhân viên ngân hàng đó.

Ngoài ra, việc khách hàng cho nhân viên ngân hàng nợ sổ, nợ chứng từ hoặc nhờ nhân viên ngân hàng giữ giúp Sổ cũng khiến cho số tiền “không cánh mà bay”.

Không ít rủi ro khi gửi tiết kiệm ngân hàng (Ảnh minh họa)

3. Mất tiền do ký sẵn chứng từ, giấy tờ quan trọng

Một rủi ro khác đến từ việc khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ giao dịch trắng hoặc không rõ nội dung do không muốn mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền mặt…

Những đối tượng “xấu” dễ dàng dùng chứng từ ký khống này để trực tiếp rút tiền từ tài khoản khách hàng mà không gặp phải khó khăn nào.

4. Mất tiền gửi online do vấn đề bảo mật thông tin

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều cung cấp dịch vụ gửi tiền tiết kiệm online. Hình thức này được nhiều người ưa chuộng bởi tiết kiệm thời gian đi lại và không cần quản lý sổ tiết kiệm giấy.

Tuy nhiên, khách hàng có thể trở thành nạn nhân của các tội phạm Công Nghệ cao do click vào các trang không an toàn, trang rác có cài virut; nhấp vào link không rõ nguồn; tải về các ứng dụng, tài liệu có chứa mã độc…

Ngoài ra, việc mất điện thoại hay công khai quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng cũng có thể trở thành lý do mất tiền trong ngân hàng.

Hạn chế rủi ro khi gửi tiền vào ngân hàng

Để gửi tiền trong ngân hàng an toàn và giảm thiểu các rủi ro, bạn cần ghi nhớ một số lưu ý như sau:

– Nên chọn các ngân hàng lớn và uy tín để gửi tiết kiệm. Đồng thời, nên “chia trứng vào nhiều giỏ” bằng cách gửi tiền tại nhiều ngân hàng khác nhau.

lãi suất gửi tiết kiệm có thể thấp hơn nhưng việc gửi tiền vào các ngân hàng lớn giúp giảm rủi ro phá sản ngân hàng;

– Giao dịch tại ngân hàng, giữ sổ tiết kiệm an toàn;

– Nếu gửi tiền online không nên truy cập vào các trang web “lạ”, không kích vào link do người lạ gửi, không tiết lộ mã OTP cho bất kỳ ai, giữ điện thoại bảo mật nhiều lớp.

Trên đây là những rủi ro khi gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, hầu hết các rủi ro này đều bắt nguồn từ phía chủ quan của khách hàng, người gửi tiền mà tự bản thân họ có thể phòng, tránh. Nếu còn vướng mắc về vấn đề này, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Nguồn: https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/rui-ro-khi-gui-tiet-kiem-ngan-hang-230-32510-article.html

Tags: