Nếu ai đó quan niệm rằng giày tây là loại giày chỉ dành cho những người đi làm, những chàng trai văn phòng gò mình trong phong cách cứng nhắc và khô khan hoặc những quý ông ăn mặc trang trọng và lịch lãm “hơn mức cần thiết”, đó là do họ chưa biết cách khai thác thế giới đa sắc và thú vị của giày tây. Lý do cốt lõi là gì? – Đơn giản vì họ chưa hiểu về giày tây. Vì vậy để có thể khai thác và phối hợp giày tây một cách “hợp mốt, hợp thời và hợp lúc”, hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu về những yếu tố cơ bản nhất của một đôi giày tây.
1. Các loại da cơ bản
– Da sơn mài bóng (Patent) là loại da cao cấp nhất, thường được sử dụng cho các kiểu giày tây cao cấp mang tính trang trọng cao. Da patent có kĩ thuật xử lý bắt nguồn từ Công Nghệ sơn mài da của Nhật Bản, với bề mặt bóng và độ mềm mại đặc trưng. Tuy nhiên cũng chính vì độ bóng này mà da patent thường hay bị nhầm lẫn cùng chất liệu giả da.
– Da hạt (Pebble Grain) là loại da có bền mặt nổi bật với nhiều hạt nhỏ đều, thường được dùng trong các loại giày tây casual.
– Da sần (Full-grain) là loại da chưa qua gia công nên còn giữ nguyên thớ da sần sùi tự nhiên và độ bền nguyên bản. Do đó để có được một mảnh da sần full grain hoàn hảo thường tốn khá nhiều thời gian, đây là lý do vì sao loại da này chỉ được tìm thấy trong các dòng sản phẩm cao cấp và xa xỉ bậc nhất.
– Da sần (Top-grain) là loại da đã được đánh bóng lớp bề mặt trên cùng, sau đó những thớ da giả được dập lên trên để đảm bảo tính đồng đều. Đây là loại da được dùng phổ biến nhất nhưng không bền bằng Top grain.
– Da lộn (Suede) là mặt trái của miếng da, mềm mại nhưng độ bôn không cao. Thường được dùng trong các kiểu giày tây casual.
2. Các yếu tố quyết định độ trang trọng của một đôi giày tây
– Độ liền mạch, gọn gàng và mỏng nhẹ: càng liền mạch (seamless) càng trang trọng. Độ trang trọng của các kiểu được xếp theo thứ tự giảm dần: wholecut, plain toe, cap toe, wingtip, longwing. Quarter-brogue trang trọng hơn half-brogue, half-brogue trang trọng hơn full-brogue. Oxford trang trọng hơn Derby vì về mặt kỹ thuật ít đường nối hơn và về mặt thị giác nhìn đỡ cồng kềnh hơn. Single Monk trang trọng hơn Double Monk. Ngoại lệ là Tassel Loafers trang trọng hơn Penny Loafers.
– Độ láng của da: Thứ tự trang trọng giảm dần theo loại da: da sơn mài bóng/da láng) patent (đi cùng tuxedo dự lễ cưới và black tie events), da bê calfskin (đi làm), cordovan, da hạt pebble skin, da quý hiếm exotic skin (cá sấu, kỳ đà…), exotic skin (cho dù nó đắt) và suede (các dịp casual).
– Màu sắc: màu càng tối lại càng trang trọng.
3. Các kiểu giày cơ bản
– Brogue và Blucher là 2 kiểu giày tây cơ bản và phổ biến nhất, các kiểu giày tây còn lại đều là “con” của một trong 2 dòng này:
+ Brogue: giày da đế thấp, mũi giày được ráp bởi nhiều mảnh và được trang trí bởi nhiều lỗ nhỏ.
+ Blucher: giày da đế thấp hoặc cao, mũi giày được cắt từ một mảnh da và không có lỗ trang trí.
– Oxford và Derby: cả hai đều có đặc điểm chung là giày da xỏ dây
+ Oxford: mũi giày được khâu khít đáy, lỗ xỏ dây và mũi giày được khâu khít ở trong. Tất cả tạo nên cho đôi giày vẻ chỉn chu và gọn gàng hoàn hảo nên những dáng giày Oxford cổ điển với gam màu trầm là lựa chọn hoàn hảo cho phong cách lịch lãm, tinh tế và những dịp trang trọng.
+ Derby: khác Oxford ở kiểu dây buộc hở do mũi giày để mở , do đó không trang trọng như Oxford, phù hợp hơn cho những dịp casual hoặc các trang phục công sở phá cách.
– Monk: những loại giày sử dụng khóa (buckle) thay vì dây. Giày Monk là một mẫu giày tây thời thượng đang dần “chiếm ngôi” của Oxford và Derby vì những đôi Monk tối giản vừa có tính trang trọng lại vừa mang vẻ sành điệu và cá tính.
– Slip-on: hay còn được gọi với tên phổ thông là giày lười. “Lười” vì không buộc dây mà cũng “chẳng thèm” khóa. Có 2 loại giày lười phổ biến là Loafers và Moccasins và điểm khác biệt duy nhất giữa chúng là Loafers có đế rời còn Moccasins thì không. Mang tính thoải mái cao nhưng không có sự trang trọng, do đó giày lười chỉ thích hợp cho những hoạt động đời thường như dạo phố, shopping, lái xe, dã ngoại…
(Nguồn tham khảo: ties, mannup, Johnston & Murphy)