Doanh nghiệp kỳ vọng về chính sách hỗ trợ mới của ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên […]

Đã cập nhật 27 tháng 8 năm 2021

Bởi TopOnMedia

Doanh nghiệp kỳ vọng về chính sách hỗ trợ mới của ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021.

Doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng hoặc các khoản nợ được cơ cấu lại phát sinh sau ngày 10/6/2020 do dịch COVID-19 kéo dài. Ảnh: H.Chung

Đáng chú ý, trong dự thảo sửa đổi lần này có 2 sự thay đổi chính nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể, thời gian tái cơ cấu nợ sẽ được kéo dài đến ngày 30/6/2022, thay vì như kế hoạch ban đầu là ngày 31/12/2021 và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng thuộc khu vực phong tỏa.

Với sự thay đổi này, các doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng rất lớn vào đợt sửa đổi chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước, để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng nhiều hơn và dễ dàng hơn.

*Mở rộng đối tượng được hỗ trợ

Tại Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Đối với các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp cho biết hiện đã bắt đầu “đuối sức” sau hơn 1 tháng triển khai, do áp lực chi phí phát sinh quá cao. Các doanh nghiệp phải tự bỏ tiền để xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần cho nhân viên, lao động; tăng phụ cấp thêm cho lao động sản xuất tại chỗ…

Đó là chưa kể, một số doanh nghiệp còn xuất hiện các ca F0 trong quá trình triển khai “3 tại chỗ” khiến chi phí đội lên cao, áp lực tài chính của doanh nghiệp hiện là rất lớn. Trong khi đó, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân như: doanh nghiệp nằm trong khu vực bị phong tỏa, đứt gãy chuỗi cung ứng, đối tác thanh toán chậm…

Do đó, các kiến nghị hiện nay của doanh nghiệp đều xoay quanh việc được ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ và giảm lãi vay trên các khoản nợ hiện có. Đồng thời, triển khai các gói vay với lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này và kèm theo đó là đơn giản hóa các thủ tục tiếp cận vốn để chính sách đi vào đời sống.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), với chi phí phát sinh quá cao trong quá trình duy trì sản xuất, các doanh nghiệp đang rất cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng, thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trước tình trạng dịch ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, bà Chi đề xuất chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho phép giãn nợ đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp không phải trả các khoản nợ đến hạn ít nhất trong 6 tháng tới.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cần đơn giản hóa thủ tục, chứng từ chứng minh, do bản thân các doanh nghiệp đang nằm trong vùng dịch và đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Đây cũng là điểm nghẽn khiến rất ít doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách hỗ trợ từ phía các ngân hàng thương mại.

FFA cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung các doanh nghiệp ngành nghề đặc thù như: lương thực, thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vay mới, miễn giảm lãi suất cho vay; đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay… từ nhà nước. Qua đó, giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn nhằm dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm. Từ đó, góp phần bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng hoặc các khoản nợ được cơ cấu lại phát sinh sau ngày 10/6/2020 do dịch COVID-19 kéo dài. Bởi theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN, các ngân hàng chỉ được cơ cấu lại khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020. Các khoản nợ giải ngân sau đó có nguy cơ bị chuyển nợ xấu nếu doanh nghiệp không xử lý kịp, ảnh hưởng lớn đến điểm tín dụng của các doanh nghiệp.

*Đề xuất giảm lãi 2%/năm

Không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu, ngay cả các doanh nghiệp bất động sản cũng đang “đứng ngồi không yên” khi đối mặt với tình trạng đứt gãy dòng tiền, nguy cơ mất thanh khoản rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho biết, kể từ tháng 7 đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản hầu như “đóng băng” hoàn toàn. Dù các doanh nghiệp đều có nguồn lực dự phòng, nhưng đa số các chủ đầu tư đều dùng vốn vay ngân hàng để phát triển dự án nên gánh nặng trả lãi vay hiện nay là rất lớn, trong khi nguồn thu lại không có.

Chưa kể, các doanh nghiệp vẫn phải đầu tư chi phí để phát triển dự án. Do đó, ngành ngân hàng cần xem xét cơ cấu, giãm lãi vay để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển dự án cũng như có nguồn lực chi trả chi phí mặt bằng, nhân viên…

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HOREA), kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.

Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với khó khăn do thiếu dòng tiền. Điều này có thể làm cho doanh nghiệp bị “ngộp thở” ngay lập tức, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động…

“’Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu. Mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình”, ông Châu chia sẻ.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, HOREA vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Cụ thể, HOREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng là doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân… và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 (do Thông tư 03 chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021), nhất là việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới.

Theo HOREA, điều này sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp; trong đó, có doanh nghiệp bất động sản đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Điều này, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Bên cạnh đó, trên cơ sở lãi suất ngân hàng bình quân hiện nay, HOREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên.

Nguồn: https://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/doanh-nghiep-ky-vong-ve-chinh-sach-ho-tro-moi-cua-ngan-hang-186810.html

Tags: