-
Hiểu được cấu tạo và nguyên lý côn xe ô tô, biết các bệnh, cách bảo dưỡng, sửa chữa côn… sẽ giúp người lái sử dụng côn xe hiệu quả hơn.
Côn xe hay còn gọi ly hợp (tiếng Anh là clutch, tiếng Pháp là embrayage) là bộ phận nằm trong hệ thống truyền lực có nhiệm vụ truyền động hoặc ngắt truyền động từ động cơ khi cần.
Khi động cơ hoạt động, trục khuỷu sẽ quay liên tục. Do đó nếu kết nối trực tiếp động cơ với các cầu dẫn động thì xe sẽ luôn di chuyển. Xe không thể dừng lại khi động cơ còn hoạt động. Nói cách khác, giống như xe điện của trẻ con, xe chỉ dừng khi tắt máy. Điều này gây ra rất nhiều bất tiện.
Vì vậy cần có một hệ thống trung gian giúp ngắt truyền động từ động cơ trong các tình huống cần thiết để xe có thể tạm dừng mà không phải tắt máy xe. Đây chính là lý do hệ thống côn/ly hợp ra đời. Hệ thống côn/ly hợp giúp ngắt truyền động từ động cơ để xe có thể dừng, tăng/giảm số trong khi động cơ vẫn hoạt động.
Mục lụcCấu tạo và nguyên lý làm việc côn xe ô tô
Cấu tạo
Cấu tạo bộ ly hợp ô tô gồm có: bàn đạp ly hợp, bánh đà, bi đầu trục, đĩa bị động (đĩa ma sát), cụm đĩa ép, bi mở, càng nhả ly hợp. Trong đó, phần chủ động gồm có bánh đà và cụm đĩa ép. Phần bị động có đĩa bị động. Phần cơ cấu điều khiển có bàn đạp ly hợp, càng nhả ly hợp…
Nguyên lý làm việc
Nguyên lý hoạt động của hệ thống ly hợp ô tô như sau:
Nhả chân côn – đóng ly hợp – cho phép truyền mô men: Khi động cơ hoạt động, bánh đà do kết nối với trục khuỷu của động cơ nên sẽ quay theo động cơ. Đĩa bị động bị lò xo cụm đĩa ép đẩy ép chặt vào bánh đà khiến cả trục của ly hợp cùng quay theo. Nhờ đó mô men từ động cơ có thể truyền đến hộp số.
Đạp chân côn – cắt ly hợp – ngắt truyền mô men: Khi người lái đạp chân côn, cần liên động (hoặc piston thuỷ lực) sẽ tác động lên càng nhả ly hợp. Khiến lò xo bị nén lại, đĩa ép nhả lực ép giúp đĩa bị động tách ra khỏi bánh đà. Từ đó ngắt hộp số khỏi động cơ.
Các bệnh về côn xe ô tô
Chân côn bị nặng
Côn xe ô tô bị nặng là một trong các bệnh về côn xe thường gặp nhất. Khi xe bị lỗi này, người lái sẽ phải dùng nhiều lực hơn mới có thể đạp chân côn. Nguyên nhân chân côn xe ô tô nặng chủ yếu do hiện tượng mòn lá côn ô tô. Nếu lá côn mòn cần sớm thay lá côn xe. Ngoài ra chân côn nặng cũng có thể do xe bị thiếu dấu côn.
Côn xe bị kêu
Côn xe ô tô kêu thường do vòng bi ngắt ly hợp bị trục trặc hoặc thiếu mỡ bôi trơn. Nếu không sớm khắc phục, vòng bi có thể bị bể. Để xử lý cần kiểm tra tình trạng vòng bi. Có thể bôi mỡ để vòng bi hoạt động trơn tru hơn hoặc thay vòng bi mới để đảm bảo côn xe ô tô hoạt động mượt mà.
Nhả côn bị giật
Nếu bộ ly hợp không hoạt động tốt sẽ khiến xe gặp vấn đề khi cài số và nhả côn. Xe ô tô nhả côn bị giật có thể do người lái chưa xử lý thành thạo, nhuần nhuyễn tháo tác chuyển số, nhả côn. Nếu không phải do người lái thì nhả côn bị giật là dấu hiệu cho thấy hệ thống ly hợp xe đang gặp vấn đề.
Khi xe bị lỗi này, người lái sẽ cảm nhận được động cơ bị giật và rung mạnh. Nguyên nhân xe ô tô nhả côn bị giật có thể do lò xo giảm chấn gãy, đĩa ép bị nứt, chỉnh côn xe ô tô không chuẩn…
Xe bị trượt côn
Dù vòng tua máy đã đẩy lên cao nhưng xe lại lên dốc ì ạch. Nguyên nhân chủ yếu vì côn xe bị trượt nên mô men từ động cơ không thể truyền vào hộp số. Xe ô tô bị trượt côn đa phần là do đĩa ma sát bị mòn.
Đĩa ma sát trong hệ thống ly hợp ô tô có tuổi thọ trung bình là 120.000 km. Tuy nhiên tuổi thọ của đĩa còn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố khác như điều kiện vận hành và thói quen lái xe. Nếu xe thường chạy lên dốc hay trong phố, thường xuyên vê côn trả số thì dễ khiến đĩa ma sát nhanh mòn hơn. Khi đĩa ma sát mòn bắt buộc phải thay đĩa ma sát.
Chân côn bị rung
Nếu xe bị lỗi chân côn rung, người lái thường sẽ thấy chân côn bị rung khi đạp nhẹ bàn đạp ly hợp. Trong khi nhấn mạnh bàn đạp ly hợp thì lại hết rung. Lý do chân côn bị rung đa phần vì đĩa ly hợp lắp không đúng. Với lỗi này cần chỉnh côn xe ô tô lại càng sớm càng tốt bởi để lâu ly hợp sẽ nhanh bị mòn.
Chân côn bị kẹt
Khi xe ô tô bị kẹt chân côn, người lái sẽ rất khó hoặc không thể đạp côn. Có nhiều nguyên nhân khiến xe bị kẹt chân côn như lá côn, bánh đà, đĩa ép, bi tê bị mòn; dây cáp bàn đạp ly hợp thiếu bôi trơn, bị đứt hoặc bị chỉnh sai; cần nối bị cong; xy lanh bị thiếu dầu…
Bảo dưỡng và sửa chữa côn ô tô
Thay dầu côn
Theo các chuyên gia nên thay dầu côn xe ô tô định kỳ sau mỗi 20.000 – 40.000 km vận hành tuỳ theo điều kiện sử dụng. Nếu xe chạy phố nhiều, vê côn liên tục thì cần thay dầu sớm hơn. Bên cạnh mốc cố định trên thì nếu thấy các dấu hiệu sau cũng cần kiểm tra dầu côn xe: chân côn bị nặng, chân côn bị kêu, vào số bị giật, xe chạy bị ì…
Chỉnh côn
Sau một thời gian sử dụng, côn xe ô tô sẽ không còn chuẩn. Do đó cần điều chỉnh lại để cân bằng hành trình côn. Điều chỉnh chân côn ô tô có 2 phần là: điều chỉnh hành trình bàn đạp chân côn (hành trình tổng cộng và hành trình tự do) và điều chỉnh chiều cao các đòn mở.
Thay côn
Hệ thống côn do chịu ma sát nhiều nên sẽ bị hao mòn, xuống cấp. Theo các chuyên gia nên thay côn xe ô tô sau 80.000 – 10.000 km vận hành.
Tuy nhiên để biết chính xác khi nào cần thay côn xe ô tô nên kiểm tra và đánh giá tình trạng thực tế của côn xe. Có 3 tiêu chuẩn giúp đánh giá khả năng làm việc của côn đó là: kết nối động cơ với hộp số một cách mượt mà; đảm bảo truyền hết công suất từ động cơ sang hộp số (không bị trượt); ngắt kết nối với động cơ nhanh và chính xác. Nếu côn xe ô tô không thoả mãn được 3 tiêu chuẩn này thì đến lúc cần kiểm tra và thay mới nếu cần thiết.
Cách sử dụng côn xe ô tô
Chỉ với các dòng xe ô tô sử dụng hộp số sàn, người lái mới cần điều khiển chân côn (hay bàn đạp ly hợp). Nhiều người cho rằng việc sử dụng chân côn khá phức tạp. Tuy nhiên thực tế sau thời gian làm quen ban đầu, khi nắm được kỹ thuật thì sử dụng côn xe không hề khó.
Người lái đạp côn mỗi khi cần ngắt kết nối giữa động cơ và hộp số. Khi lái xe số sàn, người lái cần đạp côn trước khi vào số, khi xe chuẩn bị dừng…
Trước mỗi lần sang số người lái cần thực hiện thao tác đạp côn để ngắt kết nối với động cơ. Sau khi chuyển số không nhả chân côn ngay lập tức vì sẽ khiến xe dễ bị giật và tắt máy. Thay vào đó hãy nhả chân côn từ từ. Khi phối hợp nhuần nhuyễn “côn ra ga vào” xe có thể di chuyển một cách mượt mà.
Khi thực hiện thao tác đạp/nhả côn, nếu thấy xe không bị khựng lại hoặc đột ngột vọt lên thì nghĩa là đã được thực hiện đúng. Nếu tiếng máy xe không khó nghe mà đều đặn và êm ái, xe vẫn di chuyển bình thường sau khi nhả chân côn thì chứng tỏ thao tác đạp/nhả không chỉ được thực hiện đúng mà còn rất tốt.
Khi chuẩn bị dừng xe, hãy đạp phanh trước khi đạp côn. Không cần đạp côn quá sớm. Để biết thời điểm nên đạp côn lúc xe chuẩn bị dừng, người lái chỉ cần quan sát xe. Đợi xe có hiện tượng rung nhẹ thì đạp côn ngay. Dần dần quen, người lái sẽ biết thời điểm chính xác cần đạp côn trước khi xe rung.
Côn xe ô tô, các bệnh về côn và những nhất định phải biết
Hiểu được cấu tạo và nguyên lý côn xe ô tô, biết các bệnh, cách bảo dưỡng, sửa chữa côn… sẽ giúp người lái sử dụng côn xe hiệu quả hơn. Côn xe hay còn gọi ly hợp (tiếng Anh là clutch, tiếng Pháp là embrayage) là bộ phận nằm trong hệ thống truyền lực […]
Đã cập nhật 10 tháng 11 năm 2021
Bởi TopOnMedia
Tags: