Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường: nên và không nên ăn gì?

Người bị tiểu đường cần chú ý đến chế độ ăn uống kiêng khem để không làm tăng độ đường trong máu. Thực đơn cho người bị tiểu đường cũng cần được xây dựng khoa học để vừa ổn định lượng đường trong máu, vừa đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Vậy, […]

Đã cập nhật 24 tháng 7 năm 2021

Bởi TopOnMedia

Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường: nên và không nên ăn gì?

Người bị tiểu đường cần chú ý đến chế độ ăn uống kiêng khem để không làm tăng độ đường trong máu. Thực đơn cho người bị tiểu đường cũng cần được xây dựng khoa học để vừa ổn định lượng đường trong máu, vừa đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Vậy, người bị tiểu đường nên ăn gì và phải kiêng thứ gì?

Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường: nên và không nên ăn gì?

1. Các điều kiện cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường

Trước khi đi vào tìm hiểu người bị tiểu đường nên ăn gì và cần kiêng ăn gì, bạn hãy tham khảo một vài điều kiện quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường dưới đây:

  • Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường cần phải đáp ứng đủ các nhóm chất như vitamin, khoáng chất, chất béo không bão hòa, chất đường bột và chất đạm.
  • Các loại thực phẩm phải hỗ trợ tối đa trong việc thanh lọc cơ thể, lọc máu và không ảnh hưởng đến đường huyết.
  • Các thành phần và lượng thức ăn phải đủ để nuôi dưỡng cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch, kháng viêm và chống oxy hóa. 

2. Chế độ dinh dưỡng người mắc bệnh tiểu đường nên có những gì? 

Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến lượng tinh bột 

Các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo nguyên cám, rau củ có lượng đường tự nhiên là những thực phẩm mà bệnh nhân tiểu đường có thể nạp vào cơ thể. Những thực phẩm này nên được chế biến theo cách hấp, luộc để giữ nguyên dinh dưỡng, tránh hoặc hạn chế tối đa việc chiên, xào… 

Nhóm thịt cá

Chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường nên có đủ thịt cá, thịt gia cầm… Tuy vậy, chúng phải được loại bỏ da và mỡ thật kỹ, sau đó chế biến bằng cách luộc, hấp hay áp chảo để đảm bảo lượng dầu mỡ ít nhất và giữ nguyên chất dinh dưỡng.

Nhóm chất béo

Người bị tiểu đường vẫn có thể ăn chất béo, nhưng đó phải là loại chất béo không bão hòa thường thấy ở dầu đậu nành, dầu oliu, dầu óc chó, dầu cá… 

Ngoài các loại dầu trong chế biến thức ăn, bệnh nhân mắc tiểu đường cũng có thể ăn các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều để bổ sung chất béo và chất đạm cần thiết. Hãy đảm bảo các loại hạt được chế biến thô chứ không qua tẩm ướp phụ gia nhé. 

Nhóm rau xanh

Rau là loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường. Bạn nên ăn nhiều rau hơn những nhóm thực phẩm khác, ngoài ra cũng chỉ nên ăn rau luộc, hấp, rau sống và rau trộn với dầu oliu… Không nên sử dụng dầu hoặc nước sốt có chất béo trong lúc chế biến.

Trái cây

Trái cây có lượng đường tự nhiên tốt cho cơ thể, do vậy ngoài rau xanh, bạn cũng nên tăng cường ăn trái cây nhé. Điều quan trọng là bạn chỉ nên ăn trái cây thô, không có bất kỳ sự chế biến nào trong đó như thêm đường, kem hoặc sữa. Ngoài ra, hãy ăn những loại trái cây có vị thanh và ngọt vừa phải, tránh những loại quả chín ngọt quá gắt.

3. Chế độ dinh dưỡng người bị tiểu đường nên kiêng ăn những gì?

Bên cạnh những nhóm thực phẩm phù hợp và tốt cho người bị tiểu đường, sẽ có những món ăn cần tránh trong chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường, chẳng hạn như: 

  • dầu ăn, đường, muối tinh
  • Các thực phẩm được đóng gói sẵn như đồ hộp, thức ăn nhanh
  • Sản phẩm từ động vật, kể cả sữa
  • Các loại thức ăn có nhiều gia vị và chất phụ gia khác
  • Thức ăn chiên xào và nướng kỹ
  • Các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá…

Ngoài ra, những người bị tiểu đường cũng không nên bổ sung các loại thực phẩm chức năng mà chưa hỏi ý kiến của dược sĩ hay bác sĩ.

4. Thực đơn 7 ngày trong tuần cho người tiểu đường tuýp 2

Vì đây là căn bệnh liên quan trực tiếp đến chế độ dinh dưỡng nên cần phải theo dõi khắt khe thực đơn mỗi ngày.

Cleanipedia gợi ý bạn đọc chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường tuýp 2 dưới đây, hy vọng bạn sẽ có những lựa chọn khoa học về dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe mỗi ngày.

Thực đơn cho ngày Thứ 2 

Buổi sáng: 1 ly sữa đậu nành không đường, 1 lát bánh mì ngũ cốc, ½ quả táo

Bữa trưa: 1 bát cơm gạo lứt, 1 khúc cá chép hấp,1 chén canh cải thịt nạc

Buổi tối: ½ bát cơm trắng, 1 chén thịt nạc kho đậu hũ, 1 dĩa rau dền luộc

Thực đơn cho ngày Thứ 3

Bữa sáng: 1 ly sữa tách béo không đường, 1 dĩa bún gạo lứt xào rau

Buổi trưa: ½ bát cơm trắng, 1 dĩa súp lơ xanh luộc, thịt nạc luộc (không da, không mỡ, ăn kèm một ít nước mắm)

Buổi tối: ½ chén cơm gạo lứt muối mè, 1 khúc cá lóc kho nghệ, 1 dĩa đậu bắp luộc

Thực đơn cho ngày Thứ 4

Buổi sáng: 1 ly sữa đậu không đường, 1 lát bánh mì đen ăn kèm trứng ốp la, rau xà lách và cà chua.

Bữa trưa: 1 chén cơm trắng, 1 chén tàu hũ sốt tương, canh gà lá giang

Buổi tối: ½ chén cơm gạo lứt, cá hồi áp chảo, cà rốt luộc

Thực đơn cho ngày Thứ 5

Bữa sáng: 1 tô nhỏ yến mạch ngâm sữa tách béo không đường ăn kèm chuối, táo, hạt chia

Buổi trưa: 1 bát cơm gạo lứt, 1 miếng ức gà áp chảo, canh bí nấu tôm

Buổi tối: ½ bát cơm gạo lứt, đậu hũ nhồi thịt, canh bí đao nấu thịt bằm

Thực đơn cho ngày Thứ 6

Buổi sáng: 1 bát phở ít bánh, không dầu mỡ, thịt nạc, 1 quả trứng gà luộc/chần

Bữa trưa: 1/2 bát cơm trắng, cá nục kho tiêu, canh bí đỏ nấu đậu phộng

Bữa tối: ½ bát cơm gạo lứt, salad ức gà rau củ

Thực đơn cho ngày Thứ 7

Bữa sáng: 1 bát bún riêu không dầu mỡ, nhiều rau xanh, ít bún

Buổi trưa: 1 chén cơm gạo lứt, 1 dĩa salad cá hồi, 1 dĩa đậu hũ hấp (chấm nước tương)

Bữa tối: salad thịt bò rau củ, 1 chén canh bí đao nấu mực

Thực đơn cho ngày Chủ nhật

Bữa sáng: 1 ly sữa yến mạch, 1 quả táo, 1 quả trứng gà luộc

Bữa trưa: 1 chén cơm trắng, thịt bò xào rau cải, canh rau cần thịt nạc

Buổi tối: ½ chén gạo lứt muồi mè, 1 dĩa cá hấp, rau muống luộc

5. Một số lưu ý trong quá trình thay đổi chế độ dinh dưỡng cho người tiểu đường

Người tiểu đường cũng cần chú ý đến năng lượng nạp vào mỗi ngày sao cho hợp lý, phù hợp với cân nặng. Hạn chế các tinh bột chuyển hóa nhanh, thay thế bằng các tinh bột chuyển hóa chậm giúp ổn định đường huyết.

Dưới đây là một số điều quan trọng trong ăn uống mà người bệnh cần chú ý

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
  • Trong quá trình nấu nướng hạn chế lượng dầu mỡ và gia vị đặc biệt là đường
  • Mỗi bữa ăn không quá no, cần có sự cân bằng giữa các nhóm thực phẩm
  • Có thể uống 1 ly nước trước khi ăn để hạn chế cảm giác đói và ăn quá mức cần thiết
  • Không uống hoặc ăn các loại trái cây nhiều đường như xoài chín, sa pô chê, nho
  • Vào các thời điểm giữa buổi nếu cảm giác đói có thể ăn một số loại hạt ngũ cốc, trái cây ít đường như hạt óc chó, hạt hạnh nhân, bưởi, quýt, sữa chua không đường,…

Ngoài ra người tiểu đường cần có chế độ sinh hoạt ngủ nghỉ đúng giờ, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày và thường xuyên vận động, tập thể dục, chơi các môn thể thao để cải thiện quá trình trao đổi chất và giúp ổn định đường huyết.

Tiểu đường là căn bệnh mãn tính thường gặp, nguyên nhân chủ yếu là do lối sống và thói quen ăn uống không đúng cách. Bạn có thể áp dụng chế độ dinh dưỡng trên để duy trì sức khỏe cho người bị tiểu đường hoặc áp dụng cho chính mình để  ngăn ngừa bệnh tiểu đường nhé!

Tags: