Ung thư phổi tế bào nhỏ thường khá khó chữa khỏi hoàn toàn và dễ tái phát. Tuy nhiên, bạn vẫn có cơ hội kéo dài cuộc sống nếu tìm hiểu kỹ càng về tình trạng bệnh tình của bản thân và trao đổi với bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi, trong đó gần 20.000 ca tử vong. Ung thư phổi cũng là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 3 ở nữ giới. Bệnh khó phát hiện ở giai đoạn sớm nên nhiều người khi phát hiện mắc ung thư phổi thì khối u đã bắt đầu di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị hiệu quả.
Thông tin cần biết về bệnh ung thư phổi
Bệnh ung thư phổi được chia làm hai loại:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell lung cancer)
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ (non small cell lung cancer)
Phác đồ điều trị cũng như các lựa chọn điều trị bệnh này theo từng giai đoạn có đôi chút khác nhau. Bệnh nhân hãy tham khảo bác sĩ để biết cách điều trị phù hợp cho tình trạng bệnh của mình. Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, các bác sĩ thường phân loại giai đoạn thành:
- Giai đoạn giới hạn hay còn gọi là giai đoạn khu trú (limited stage)
- Giai đoạn lan rộng (extensive stage)
Vào thời điểm bệnh nhân phát hiện mắc ung thư phổi tế bào nhỏ, đa số trường hợp khối u đã bắt đầu di căn tới cơ quan khác. Do đó, hóa trị luôn là một phần của điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ nếu như sức khỏe của bệnh nhân đáp ứng điều kiện để thực hiện hóa trị.
Đối với những bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ đang hút thuốc lá, một trong những điều quan trọng để sẵn sàng điều trị là bỏ thuốc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân bỏ thuốc sau khi điều trị ung thư phổi có kết quả điều trị tốt hơn những người không bỏ thuốc.
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn khu trú
1. Ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn I
Nếu phát hiện sớm, khối u trong phổi nhỏ và chưa lan tới các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác, các bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân thực hiện phẫu thuật để loại bỏ khối u ở phổi và các hạch bạch huyết ở gần đó.
Tuy nhiên, số lượng những bệnh nhân đủ điều kiện để điều trị theo cách này không nhiều. Chỉ những bệnh nhân ung thư giai đoạn I có sức khỏe tốt và chịu đựng được phẫu thuật loại bỏ một phần phổi mới đủ điều kiện điều trị.
• Trước phẫu thuật: Các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi trung thất (mediastinoscopy) hoặc các xét nghiệm khác để kiểm tra xem khối u có di căn tới hạch bạch huyết không. Nếu khối u đã bắt đầu lan ra khỏi phổi thì phẫu thuật không phải là một lựa chọn tốt.
• Phẫu thuật: Nếu khối u chưa lan tới các hạch bạch huyết và các cơ quan khác, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân để loại bỏ khối u ở phổi và loại bỏ một số hạch bạch huyết gần đó.
• Sau phẫu thuật: Đa số trường hợp bệnh nhân sẽ thực hiện hóa trị. Nếu sau khi kiểm tra lại các hạch bạch huyết sau phẫu thuật, bác sĩ phát hiện thấy có sự xuất hiện của tế bào ung thư thì bệnh nhân phải thực hiện cả xạ trị vùng ngực cùng lúc với hóa trị. Mặc dù điều trị xạ trị và hóa trị cùng lúc làm tăng tác dụng phụ nhưng phác đồ này đem lại hiệu quả cao hơn so với điều trị bằng một phương pháp hay từng phương pháp một.
Nếu bệnh nhân có bệnh nghiêm trọng ở phổi (ngoài bệnh ung thư) hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác thì bác sĩ sẽ không thực hiện xạ trị cho bệnh nhân để đảm bảo an toàn.
Tới 50% trường hợp mắc ung thư phổi tế bào nhỏ có khối u lan tới não nếu không được điều trị tích cực. Vì vậy, bệnh nhân có thể cần thực hiện xạ trị đầu (gọi là chiếu xạ sọ hoặc PCI) để ngăn ngừa khối u di căn tới não. Chiếu xạ sọ được thực hiện ở liều rất thấp, tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn có thể gặp tác dụng phụ từ xạ trị này.
2. Các giai đoạn ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn khu trú khác
Đa số trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn khu trú (hay giai đoạn giới hạn) không thể phẫu thuật vì khối u ở phổi quá lớn, khối u nằm ở nơi khó loại bỏ hoặc khối u đã di căn tới các hạch bạch huyết gần đó hay các vị trí khác trong phổi. Trong trường hợp này, phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh nhân là hóa trị kết hợp xạ trị vùng ngực cùng lúc. Hóa trị thường dùng trong trường hợp này là Etoposide kết hợp với hoặc Cisplatin hoặc Carboplatin.
Điều trị bằng hóa trị kết hợp xạ trị cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn khu trú giúp bệnh nhân sống lâu hơn và có cơ hội chữa khỏi bệnh cao hơn. Tuy nhiên, kết hợp xạ trị và hóa trị gây ra nhiều tác dụng phụ nên nhiều bệnh nhân sẽ phải trải qua thời gian này rất khó khăn.
Những người không đảm bảo sức khỏe để thực hiện đồng thời cả hóa trị và xạ trị thường được điều trị bằng hóa trị, sau đó mới thực hiện xạ trị. Nếu khối u đáp ứng tốt với điều trị ban đầu, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị sọ liều thấp để ngăn ngừa khối u di căn lên não.
Khối u sẽ nhỏ đi đáng kể khi được điều trị bằng hóa trị (dù kết hợp hay không kết hợp với xạ trị). Trong nhiều trường hợp, khối u thậm chí có kích thước nhỏ đến nỗi các xét nghiệm hình ảnh không thể phát hiện. Tuy nhiên, khối u có thể tái phát trở lại. Bạn có thể xem xét tham gia thử nghiệm lâm sàng, lựa chọn các liệu pháp điều trị mới và trao đổi với bác sĩ để nhận được những lời khuyên bổ ích.
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan rộng
Ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan rộng đã di căn xa tới các cơ quan khác của cơ thể, vì vậy phẫu thuật và xạ trị không còn là liệu pháp hứa hẹn nữa. Nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đảm bảo, bệnh nhân có thể được điều trị bằng xạ trị để kiểm soát khối u, điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị giúp bệnh nhân sống lâu hơn.
Phác đồ hóa trị chủ yếu dùng trong trường hợp này là Etoposide kết hợp với Cisplastin hoặc Carboplatin. Phần lớn trường hợp, hóa trị sẽ giúp kiểm soát khối u một cách đáng kể, trong một số trường hợp, khối u nhỏ tới mức không còn nhìn thấy trên kết quả xét nghiệm hình ảnh. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn lan rộng sẽ tái phát trở lại.
Nếu khối u đáp ứng tốt với hóa trị, xạ trị vùng ngực sẽ được tiếp tục chỉ định. Phác đồ này có thể giúp bệnh nhân bị ung thu phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan rộng kéo dài tuổi thọ. Xạ trị sọ cũng có thể được xem xét để ngăn ngừa khối u di căn não.
Nếu sự tiến triển khối u ở phổi gây ra các triệu chứng như khó thở hoặc chảy máu, các liệu pháp điều trị như xạ trị hoặc các liệu pháp điều trị khác như phẫu thuật laser có thể giúp ích trong việc điều trị triệu chứng nếu ung thư di căn tới xương và não.
Vì ung thư phổi tế bào nhỏ tương đối khó để chữa khỏi hoàn toàn, bạn có thể xem xét tham gia thử nghiệm lâm sàng hoặc lựa chọn các liệu pháp điều trị mới. Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ để nhận được những lời khuyên bổ ích.
Nếu sức khỏe của bệnh nhân ở thể trạng yếu, không thể chịu đựng được các tác dụng phụ của liều hóa trị chuẩn, các bác sĩ có thể hóa trị cho bệnh nhân ở liều thấp hơn hoặc chỉ tiến hành điều trị chăm sóc giảm nhẹ hoặc hỗ trợ. Bác sĩ sẽ đưa ra các liệu pháp điều trị giúp kiểm soát cơn đau, các vấn đề về thở hoặc các triệu chứng của bệnh nhân.
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ tái phát sau điều trị
Nếu khối u vẫn tiếp tục tiến triển hoặc tái phát sau khi điều trị, phác đồ điều trị tiếp theo sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tình trạng sức khỏe
- Mong muốn điều trị của bệnh nhân
- Liệu pháp điều trị bệnh nhân đã sử dụng
- Vị trí của khối u và mức độ lan trộng của khối u
Ở giai đoạn này, mục tiêu điều trị cần được xác định cụ thể là để chữa trị ung thư, để kiểm soát sự phát triển của khối u hay để điều trị triệu chứng. Đồng thời, lợi ích và những rủi ro của mỗi liệu pháp điều trị sẽ cần được xem xét.
Nếu sau khi hóa trị, khối u vẫn tiếp tục tiến triển thì bệnh nhân có thể sẽ phải thay liệu pháp hóa trị khác (dù kể cả trong trường hợp này, thuốc hóa trị mới cũng có thể sẽ không hoặc ít hiệu quả).
Nếu ung thư tái phát sau khi điều trị ban đầu kết thúc, lựa chọn liệu pháp hóa trị tiếp theo phụ thuộc vào thời gian tái phát (sau bao lâu thì khối u xuất hiện trở lại). Một lựa chọn khác cho những bệnh nhân có khối u liên tục tái phát sau 2–3 lần điều trị toàn thân bằng Carboplatin hoặc Cisplastin là liệu pháp miễn dịch có tên Nivolumab.
Các liệu pháp hóa trị để điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ
1. Khi nào nên dùng hóa trị?
Vì ung thư phổi tế bào nhỏ thường đã bắt đầu di căn tới các bộ phận khác của cơ thể nên hóa trị là liệu pháp thường được sử dụng vì các liệu pháp khác như xạ trị hay phẫu thuật không thể tiếp cận mọi vùng trên cơ thể như hóa trị.
Hóa trị kết hợp xạ trị là phác đồ thường dùng cho các bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ ở giai đoạn khu trú. Đối với giai đoạn lan rộng, hóa trị thường được chỉ định đơn lẻ (trong một số trường hợp cũng kết hợp với xạ trị).
2. Các loại thuốc hóa trị thường dùng
Để điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ, các bác sĩ thường dùng kết hợp các loại thuốc hóa trị bao gồm:
- Cisplatin và Etoposide
- Carboplatin và Etoposide
- Cisplatin và Irinotecan
- Carboplatin và Irinotecan
Các bác sĩ thường chỉ định truyền hóa chất theo liệu trình, giai đoạn điều trị thường từ 1–3 ngày, sau đó nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Mỗi liệu trình thường kéo dài 3–4 tuần và điều trị giai đoạn đầu thường gồm 4–6 liệu trình hóa trị.
Nếu khối u vẫn tiếp tục phát triển hoặc tái phát sau khi điều trị giai đoạn đầu kết thúc, lựa chọn điều trị tiếp theo tùy thuộc vào khối u xuất hiện trở lại sớm hay muộn. Nếu thời gian khối u tái phát càng lâu thì khả năng đáp ứng với điều trị tiếp theo càng cao và ngược lại. Nếu sau 6 tháng hóa trị ung thư mới tái phát thì khối u có thể sẽ vấn đáp ứng với thuốc hóa trị trước đó nên phác đồ điều trị có thể tiếp tục dùng cùng một loại thuốc điều trị lần trước.
Nếu ung thư phổi tế bào nhỏ tái phát sớm hơn hoặc vẫn tiếp tục tiến triển trong thời gian điều trị thì bác sĩ sẽ phải áp dụng một loại thuốc hóa trị khác và chỉ dùng 1 loại để hạn chế tác dụng phụ. Thuốc hóa trị thường được dùng trong trường hợp này là Topotecan (có ở dạng tiêm hoặc uống).
Ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển hoặc tái phát sau khi điều trị bằng hóa trị sẽ rất khó chữa khỏi. Vì vậy, bạn hãy xem xét thử nghiệm lâm sàng hoặc các liệu pháp điều trị mới trong trường hợp này.
Trước khi chỉ định bất kỳ liệu pháp điều trị nào, bác sĩ sẽ trao đổi rõ cho bệnh nhân về các tác dụng phụ của thuốc. Các tác dụng phụ của hóa trị thường gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bệnh nhân, tuy nhiên, trong thời gian nghỉ giữa hai lần hóa trị, sức khỏe của bệnh nhân sẽ dần hồi phục trở lại.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ
1. Thuốc dùng trong liệu pháp miễn dịch
Hệ miễn dịch cần có cơ chế kiểm soát để không tấn công các tế bào bình thường của chính cơ thể. Các tế bào ung thư cũng lợi dụng cơ chế này để tránh bị tấn công bởi hệ miễn dịch. Các loại thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch có thể giúp kích hoạt hệ miễn dịch để tìm và tiêu diệt hiệu quả các tế bào ung thư. Cách chữa ung thư này gọi là liệu pháp miễn dịch.
Nivolumab (Opdivo) là loại thuốc điều trị ung thư nhắm vào PD-1, một protein của tế bào lympho T có vai trò ngăn ngừa tế bào này tấn công các tế bào bình thường của cơ thể. Khi PD-1 bị ức chế bởi Nivolumab (opdivo), hệ miễn dịch sẽ tăng cường hoạt động và tiêu diệt các tế bào ung thư phổi tế bào nhỏ. Loại thuốc này có thể giúp kiểm soát khối u ở đa số trường hợp, kể cả khi khối u đó không đáp ứng với ít nhất 2 lần điều trị toàn thân với Cisplastin và Carboplatin.
Thuốc Nivolumab (Opdivo) được tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân 2–4 tuần một lần.
2. Các tác dụng phụ và lưu ý
Nivolumab (Opdivo) đã được cấp phép dùng cho điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển, tuy nhiên thuốc vẫn có các tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, ho, buồn nôn, phát ban da, chán ăn, táo bón, đau khớp và tiêu chảy.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng khác xảy ra ít thường xuyên hơn. Đôi khi, thuốc cũng khiến hệ miễn dịch tấn công các mô của chính cơ thể mình, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, khi điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi thật chặt chẽ và trao đổi với bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào. Bệnh nhân có thể sẽ cần dừng điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch và dùng corticosteroid liều cao để giảm hoạt động của hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể.
Các liệu pháp điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ rất đa dạng nhưng đều có thể gây tác dụng phụ. Bạn hãy trao đổi kỹ với bác sĩ về thể trạng và tình hình bệnh tình của bản thân để có phác đồ điều trị hợp lý nhất nhé.
Hồng Nhung | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 5 thói quen giúp bạn ngăn ngừa ung thư hiệu quả
- Liệu pháp miễn dịch: Thành tựu mới trong điều trị ung thư
- Điều trị ung thư vú: Liệu pháp nội tiết tố và sinh học