Thói quen ăn uống được hình thành từ những bữa ăn dặm đầu tiên. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cho bé ăn dặm lần đầu sẽ có rất nhiều băn khoăn và câu hỏi. Lần đầu cho bé ăn dặm nên cho bé ăn gì, như thế nào, bao nhiêu là đủ…Hôm nay, Cleanipedia sẽ mách mẹ cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên cho con khỏe mẹ nhàn.
1. Khi nào nên cho bé ăn dặm lần đầu tiên
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, 6 tháng là độ tuổi phù hợp cho bé ăn dặm lần đầu tiên. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé tương đối hoàn chỉnh, một số bé đã có thể tự ngồi vững để có thể ăn dặm đúng cách.
Từ 6 tháng tuổi, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của bé. Ăn dặm đúng cách sẽ bé hấp thu đủ dinh dưỡng để phát triển tốt, vận động tốt. Ngoài ra, bé ăn dặm còn giúp phát triển cơ – hàm – lưỡi…giúp bé dễ tập nói và tập cách tự ăn sau này.
2. Hướng dẫn cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên
2.1. Chuẩn bị gì cho bé ăn dặm
Theo kinh nghiệm cho bé ăn dặm lần đầu, các mẹ thường mách nhau một số món đồ cần thiết để bé ăn dặm thành công trong ngày đầu tiên như sau:
- Ghế ăn dặm: Mẹ hãy cho trẻ ngồi trên ghế ăn dặm. Ngoài ra, cho bé ăn đúng giờ, không cho bé xem tivi, ipad…để bé hình thành thói quen ăn uống tốt. Mẹ cũng nên cho bé ăn cùng gia đình để bé tập ăn uống, nhai kỹ thức ăn.
- Yếm ăn dặm: Bạn nên chuẩn bị thêm yếm ăn dặm để thức ăn không rơi, dính vào quần áo trẻ.
- Dụng cụ chế biến: Máy xay, rây lọc, nồi nấu chậm, nồi ủ…là các vật dụng mẹ có thể tham khảo để có thể nhanh chóng chuẩn bị bữa ăn dặm cho trẻ.
- Dụng cụ bảo quản: Vì trẻ ăn rất ít, việc sơ chế nhiều lần sẽ tốn nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, mẹ có thể xay thức ăn, rây sẵn và cho vào các khay có nắp để cấp đông (khoảng một tuần) để dùng dần.
- Bát ăn dặm và thìa ăn dặm: Nếu không chuẩn bị được một bộ dụng cụ bát ăn dặm, thìa, khay ăn dặm phù hợp, thì mẹ nên chuẩn bị một thìa nhỏ, vật liệu mềm để không ảnh hưởng đến vùng lợi còn non nớt của trẻ.
- Cốc tập uống cho bé: Trẻ được 6 tháng tuổi đã có thể bắt đầu sử dụng cốc tập uống. Chiếc cốc này sẽ giúp bé uống hết được nước mà không bị đổ, vương vãi ra ngoài.
2.2. Nên cho bé ăn gì trong lần đầu tiên ăn dặm?
Những ai lần đầu làm mẹ sẽ bối rối không biết cho bé ăn dặm như thế nào? Ngày đầu tiên ăn dặm nên cho bé ăn gì để bé thấy ngon miệng, yêu thích mà vẫn an toàn, đủ dinh dưỡng cho trẻ? Đừng lo lắng, mẹ hãy tham khảo một số món ăn dặm dưới đây cho bé:
- Bột ngọt: Bữa ăn ở giai đoạn 6-7 tháng, mẹ chỉ nên tập cho bé ăn một cữ trong ngày với bột ăn dặm là bột ngọt gồm bột gạo, rau xanh, dầu ăn (dầu mè, dầu oliu cho bé ăn dặm) để bé làm quen với việc ăn dặm.
- Bột mặn: Từ 7-9 tháng, mẹ có thể giới thiệu bữa ăn dặm với bé 2 bữa trên ngày với bột mặn là bổ sung thêm chất đạm (thịt, cá,…). Các thành phần bột gạo, rau xanh, dầu ăn vẫn có thể áp dụng như trước. Với giai đoạn này, mẹ có thể làm thêm bánh flan cho bé ăn dặm để bổ sung sắt và kích thích khẩu vị cho trẻ.
- Cháo ăn dặm: Bắt đầu từ giai đoạn 9 tháng, bé cần được ăn 3 bữa Cháo ăn dặm trong một ngày, để hấp thu dinh dưỡng đầy đủ nhất. Đối với cháo ăn, mẹ có thể không cần xay nhuyễn thức ăn như bột mặn mà chỉ rây thức ăn để có độ thô phù hợp với lứa tuổi của bé. Mẹ có thể nấu một số món cháo lươn cho bé ăn dặm hoặc xem xét thực đơn ăn dặm kiểu Nhật để đa dạng món ăn và kích thích vị giác cho bé.
2.3. Có nên nêm gia vị trong thức ăn dặm của bé
Theo các khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng, mẹ không nên nêm gia vị trong thức ăn dặm của bé dưới 12 tháng tuổi. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sở hữu số lượng “chồi vị giác” rất lớn, cho phép cảm nhận, phân biệt các loại thức ăn rất tốt. Vì vậy, ăn dặm đối với trẻ cần hướng tới việc phân biệt được các vị nguyên liệu cơ bản của thức ăn.
Việc nêm gia vị trong thức ăn còn dẫn đến việc dư thừa lượng muối cho cơ thể trẻ. Lượng muối cần cung cấp cho trẻ chỉ khoảng 2-3g/ngày. Lượng muối này đã được cung cấp trong các nguyên liệu như thịt, cá, phô mai…trong thực đơn của bé.
2.4. Liều lượng cho bé ăn dặm
Khi chế biến đồ ăn dặm cho bé lần đầu, mẹ nên chú ý đến liều lượng cho trẻ ăn dặm. Mẹ có thể tham khảo công thức nấu bột ăn dặm của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh Viện Nhi đồng I, TP. HCM, Cố vấn chuyên môn Hệ thống tiêm chủng VNVC) như sau: 40g bột gạo, 20g rau xanh (xay nhuyễn), 10g dầu ăn (mè, oliu), và đối với bột mặn bạn thêm 20g chất đạm (thịt, cá, trứng).
2.5. Khung giờ cho bé ăn dặm
Mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy 2 tiếng. Đây là khoảng thời gian thoải mái nhất với trẻ cho lần đầu tiên ăn dặm. Với bữa ăn dặm đầu tiên, mẹ nên tránh thời điểm bé đang có biểu hiện ho sốt, có bệnh… Khi có những biểu hiện này, trẻ sẽ bất hợp tác, kèm theo triệu chứng mệt mỏi và có thể bị sặc thức ăn rất nguy hiểm.
Nếu nhiệt độ trẻ sơ sinh bị sốt, mẹ chỉ cần tăng cường cho trẻ bú và đắp mát để giải nhiệt. Sau khi trẻ hết sốt thì mới có thể hợp tác ăn uống nhanh chóng được.
3. Nguyên tắc khi cho bé ăn dặm
Với các mẹ lần đầu tiên cho con ăn dặm, nên lưu ý một số nguyên tắc cho con ăn dặm để con khỏe, mẹ nhàn như sau:
- Không nên ép bé ăn: Điều này dễ làm trẻ cảm thấy việc ăn uống giống như một “cực hình”. Lâu dài, ép bé ăn sẽ khiến trẻ biếng ăn, sợ ăn.
- Kiên nhẫn: Khi làm quen với thức ăn mới, có thể bé sẽ không thích. Mẹ hãy kiên nhẫn thử lại, hoặc có thể đợi 2,3 ngày sau cho bé thử lại món ăn đó, tránh để bé kén ăn sau này.
- Sữa vẫn là thức ăn chính của bé: Mẹ vẫn nên cho bé bú mẹ, uống sữa như bình thường. Nguồn dinh dưỡng chính của trẻ vẫn được lấy từ sữa.
Hy vọng những thông tin này sẽ giúp cha mẹ cho con “ăn dặm không phải là cuộc chiến”. Và đừng quên ghé Cleanipedia để theo dõi thêm những mẹo chăm sóc gia đình, nhà cửa nhé.