-
Kẽm là một loại khoáng chất vi lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em, giúp cơ thể trẻ tổng hợp protein, từ đó kích thích sự phát triển của xương, cơ bắp cũng như não bộ của bé. Tùy vào độ tuổi và thể trạng, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu bổ sung kẽm khác nhau. Hãy cùng Huggies tìm hiểu về vấn đề nên bổ sung kẽm cho bé với liều lượng như thế nào, trong thời gian bao lâu qua bài viết sau đây!
Tham khảo: Cách tăng sức đề kháng cho bé khỏe mạnh mẹ yên tâm
Vai trò của kẽm (ZinC) đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Kẽm là loại khoáng chất mà mẹ nên bổ sung từ giai đoạn mang thai, chăm sóc trẻ sơ sinh đến khi trẻ trưởng thành. Lý do là vì kẽm tham gia vào thành phần cấu trúc của tế bào, có mặt ở trong 80 loại enzyme, góp phần xúc tác các phản ứng gắn kết các chuỗi ADN và các phản ứng sinh năng lượng khác. Loại khoáng chất này tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, vậy nên khi thiếu kẽm thì các cơ quan sẽ xuất hiện các dấu hiệu bất thường hoặc các bệnh lý. Sau đây là một số biểu hiện cụ thể cho thấy cơ thể trẻ đang thiếu kẽm:
- Kẽm chiếm nồng độ khá cao trong não, tập trung ở các vùng như Hồi Hải Mã – 1 bộ phận của não trước, bó sợi rêu, vỏ não,… Do đó, thiếu kẽm có thể sẽ gây ra tình trạng rối loạn thần kinh, thậm chí là bệnh tâm thần phân liệt.
- Kẽm tham gia vào quá trình điều hòa chất chuyển vận thần kinh, thiếu kẽm sẽ gây ra tình trạng rối loạn tập tính.
- Kẽm hỗ trợ vận chuyển canxi vào não, thiếu kẽm sẽ khiến quá trình này bị gián đoạn, khiến con người dễ nảy sinh cáu gắt.
- Kẽm có vai trò điều hòa chức năng nội tiết tố của tuyến yên, sinh dục, thượng thận, giáp trạng. Đồng thời kết hợp với hệ thần kinh nội tiết tố để điều hòa hoạt động bên trong cũng như phản xạ linh hoạt với các tác nhân bên ngoài, giúp cơ thể thích nghi với ngoại cảnh. Vậy nên, thiếu kẽm sẽ khiến con người thiếu nhạy bén với các thay đổi của môi trường.
- Kẽm đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của da, tóc, móng. Tóc xơ cứng, màu tóc ngả vàng, móng tay yếu, dễ gãy, làn da khô sạm, xuất hiện các vết bớt trắng là dấu hiệu cho thấy trẻ đang thiếu kẽm.
- Kẽm giúp tổng hợp và bài tiết các hormone tăng trưởng, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Thiếu kẽm sẽ khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, nguy cơ trẻ bị bệnh tăng cao.
- Thiếu kẽm cũng làm giảm sự nhạy cảm của vị giác, khiến trẻ chán ăn hoặc ăn không ngon, thậm chí có thể gây ra các bệnh lý ví dụ như viêm niêm mạc miệng.
Tham khảo: Sử dụng men vi sinh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đúng cách
Các nguyên nhân dẫn đến trẻ bị thiếu hụt kẽm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị thiếu hụt kẽm. Chế độ dinh dưỡng của trẻ được xem là một nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, bởi cơ thể trẻ chỉ có thể hấp thụ khoảng 30% tổng lượng kẽm nạp vào qua một vài loại thức ăn. Bên cạnh đó, nồng độ vi chất Đồng mà cơ thể hấp thụ quá cao cũng khiến cho liều lượng kẽm trong cơ thể bị thất thoát và dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ kẽm của cơ thể như:
- Chế độ dinh dưỡng quá nhiều chất xơ, chủ yếu từ rau củ. Liều lượng chất xơ cao sẽ làm khả năng hấp thụ kẽm giảm sút.
- Bổ sung quá nhiều sắt cho cơ thể (> 50 – 60 mg/ngày) cũng sẽ làm quá trình hấp thụ kẽm bị gián đoạn.
- Cho trẻ uống quá nhiều sữa bò (1000 mg/ngày) khiến liều lượng canxi, photphat tăng cao sẽ gây ra phản ứng khiến khó hấp thụ kẽm.
- Bổ sung quá nhiều axit folic (> 1000 mcg/ngày) sẽ gây ra tương tác với kẽm, khiến quá trình hấp thụ kẽm bị cản trở.
- Phẫu thuật nội soi dạ dày sẽ khiến quá trình cơ thể hấp thụ kẽm trở nên khó khăn hơn.
- Tình trạng thiếu hụt kẽm có thể xảy ra khi trẻ biếng ăn, trẻ mắc các bệnh lý như bệnh hồng cầu hình liềm, tiêu chảy, viêm đường ruột mãn tính…
- Do chế biến thức ăn không đúng cách cũng sẽ khiến liều lượng kẽm trong thực phẩm bị hao hụt, ví dụ như xay xát thực phẩm quá nhiều.
Tham khảo: Bổ sung sắt cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đúng cách
Một số dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu kẽm
Dựa theo các dấu hiệu, trẻ bị thiếu kẽm được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu và giai đoạn trở nặng. Mỗi giai đoạn sẽ có các biểu hiện khác nhau như sau:
Giai đoạn đầu
Trong giai đoạn này, nồng độ kẽm trong cơ thể trẻ chưa thiếu hụt quá nhiều nên sẽ không có các triệu chứng cụ thể. Một số biểu hiện của giai đoạn này bao gồm:
- Kém tập trung, thường xuyên mệt mỏi và hay buồn ngủ.
- Chán ăn, giảm hoặc mất khẩu vị, hệ tiêu hóa kém.
- Cơ thể dễ bị nhiễm trùng.
- Khó tăng cân cũng như tăng chiều cao.
Giai đoạn trở nặng
Khi trẻ có các biểu hiện của giai đoạn đầu nhưng không được bổ sung kẽm và khắc phục kịp thời, tình trạng thiếu hụt kẽm của bé sẽ dần nặng hơn. Tình trạng này sẽ gây ra tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, từ các bộ phận bên ngoài đến các cơ quan bên trong.
- Làn da: Bị viêm da, sạm da, da dày sừng và phần da mặt ngoài của 2 cẳng chân bị bong tróc (vảy cá).
- Tóc: Tóc bị rụng nhiều, nhất là ở phần chân tóc trước trán, sợi tóc mỏng, dẹp và dễ gãy.
- Móng: Các dấu hiệu như móng mất độ bóng, bị nhăn, có vệt trắng, mọc chậm.
- Mắt: Giác mạc bị ngứa, khô và ít tiết nước mắt.
- Bán niêm mạc: Môi bị khô, lở mép, dễ bị các vết loét trong niêm mạc miệng, bị viêm quanh hậu môn, âm hộ…
- Hệ tiêu hóa: Mất vị giác, chán ăn, bị tiêu chảy.
- Hệ miễn dịch: Suy giảm hệ miễn dịch nên dễ bị nhiễm trùng.
- Hệ thần kinh: Có thể kích thích hoặc làm giảm hoạt động thần kinh, bị rối loạn nhận thức, chìm sâu vào giấc ngủ hay bị chậm phát triển tâm thần vận động.
- Hệ sinh dục: Trẻ bị chậm phát triển giới tính, suy giảm chức năng của tuyến sinh dục.
- Phát triển thể chất: Khiến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay bào thai bị chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng. Thiếu kẽm trong quá trình mang thai có thể khiến trẻ chào đời trong tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, cùng với các biểu hiện tổn thương trên tóc, móng, da…
Tham khảo: Chữa nhiệt miệng cho bé tại nhà đúng cách
Liều lượng bổ sung kẽm cho bé theo từng giai đoạn
Ở mỗi độ tuổi, cơ thể trẻ sẽ cần một liều lượng kẽm khác nhau. Các bậc phụ huynh có thêm tham khảo các mốc thời gian dưới đây để bổ sung kẽm cho bé hợp lý:
- Giai đoạn 0 – 6 tháng: 1,1 – 6,6 mg/ngày
- Giai đoạn 7 – 11 tháng: 0,8 – 8,3 mg/ngày
- Giai đoạn 1 – 3 tuổi: 2,4 – 8,4 mg/ngày
- Giai đoạn 4 – 6 tuổi: 3,1 -10,3 mg/ngày
- Giai đoạn 7 – 9 tuổi: 3,3 – 11,3 mg/ngày
- Nam giới 10 – 18 tuổi: 5,7 – 19,2 mg/ngày
- Nữ giới 10 – 18 tuổi: 4,6 – 15,5 mg/ngày
- Nam trưởng thành: 4,2 – 9,8 mg/ngày
- Nữ trưởng thành: 3,0 – 14,0 mg/ngày
- Phụ nữ mang thai: 3,4 – 20,0 mg/ngày
- Mẹ đang cho con bú: 5,8 – 14,4 mg/ngày
Tham khảo thêm: Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển toàn diện
Nên bổ sung kẽm cho bé trong bao lâu là hợp lý?
Khi quan sát và nhận thấy con có các dấu hiệu của tình trạng thiếu kẽm, bố mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra giải pháp khắc phục. Bác sĩ sẽ chính là người quyết định có cần thiết bổ sung kẽm cho bé hay không, liều lượng như thế nào và trong thời gian bao lâu. Tùy thuộc vào thể trạng của bé, thông thường thời gian bổ sung kẽm cho bé sẽ kéo dài khoảng 2 – 3 tháng.
Đối với những trẻ bị tiêu chảy, bổ sung kẽm là việc hết sức cần thiết trong quá trình điều trị. Theo các chuyên gia, phác đồ điều trị cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi cần bổ sung thêm kẽm cho bé 10 mg/ngày. Đối với trẻ từ 6 – 60 tháng tuổi, liều lượng cần bổ sung là 20 mg/ngày. Kẽm thường sẽ được bổ sung qua dạng viên uống và thời gian bổ sung là 14 ngày liên tiếp.
Những cách bổ sung kẽm cho trẻ dễ dàng và hiệu quả
Bố mẹ có thể tham khảo các phương pháp sau đây để bổ sung kẽm cho bé dễ dàng và hiệu quả hơn:
1. Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi
Đối với trẻ ở độ tuổi này, nguồn thức ăn chủ yếu vẫn là sữa mẹ, vậy nên bổ sung kẽm cho bé nhanh chóng và hiệu quả nhất là từ nguồn sữa mẹ. Sữa mẹ vừa chứa một nguồn kẽm dồi dào, vừa chứa nhiều kháng thể và các chất dinh dưỡng khác, giúp trẻ phát triển tốt hơn. Đó cũng là lý do vì sao việc xây dựng thực đơn dinh dưỡng trong thai kỳ của mẹ bầu rất quan trọng.
Các mẹ đang trong giai đoạn mang thai có thể cân nhắc các yếu tố sau để đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày của mình:
Nhóm thực phẩm giàu kẽm như cua, thịt, trứng,…
Nhóm thực phẩm giàu vitamin C như chanh, cam, quýt,… Vitamin C sẽ làm tăng khả năng hấp thụ kẽm và đồng thời kẽm cũng sẽ làm tăng khả năng hấp thu vitamin C của cơ thể.
- Các loại hạt, loại đậu, đặc biệt là hạt đậu nành.
- Sắt sẽ làm gián đoạn quá trình hấp thu kẽm, vậy nên nếu mẹ muốn bổ sung cả 2 loại kẽm và sắt, hãy uống sắt sau khi uống kẽm 2 tiếng.
- Lưu ý mẹ nên bổ sung kẽm ở mức độ vừa phải, tránh lạm dụng dẫn đến tình trạng dư thừa.
Tham khảo thêm:
- Thực phẩm cho bé – khi nào tập cho bé ăn dặm?
- Bé 5 tháng tuổi ăn dặm được chưa?
- Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi
2. Bổ sung kẽm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Giai đoạn 6 tháng tuổi là thời điểm tốt nhất cho bé ăn dặm. Lúc này, bé bắt đầu có cảm giác và nhận thức về thức ăn. Vậy nên, bố mẹ có thể bổ sung kẽm cho bé qua các loại thực phẩm mà bé ăn hàng ngày. Lưu ý, bố mẹ nên thay đổi khẩu phần ăn của trẻ để tránh gây cảm giác nhàm chán và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Tham khảo thêm: Thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi
3. Trẻ bị suy dinh dưỡng
Đối với các bé bị suy dinh dưỡng, mẹ nên tìm hiểu và chế biến món ăn từ các loại thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ như nhóm thực phẩm giàu kẽm: thịt, trứng, các loại đậu,…, nhóm thực phẩm giàu canxi: phô mai, sữa chua, cải xoăn,…
Tham khảo thêm:
4. Đối với trẻ biếng ăn
Đối với trẻ biếng ăn, việc ép bé ăn theo ý của bố mẹ là điều vô cùng khó khăn. Vậy nên, để giúp bé ăn ngon miệng hơn và đảm bảo bổ sung đầy đủ kẽm cũng như các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể, mẹ nên cho trẻ ăn theo ý muốn. Mẹ có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm mà trẻ ưa thích vào khẩu phần ăn, ví dụ như: Socola đen, sữa chua, hải sản,… Những loại thực phẩm này sẽ kích thích vị giác của trẻ, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể bổ sung kẽm cho bé thông qua các loại thực phẩm bổ sung. Khi dùng phương pháp này, mẹ nên cho bé uống kẽm sau bữa ăn 30 phút và duy trì trong vòng 2 – 3 tháng. Bố mẹ cũng nên bổ sung các loại vitamin A, C, B6 để trẻ hấp thụ kẽm tốt hơn.
Tham khảo: Chế độ dinh dưỡng cho bé ăn dặm
Một số lưu ý khi bổ sung kẽm cho bé
Sau đây là một số yếu tố bố mẹ cần lưu ý khi bổ sung kẽm cho bé:
- Nếu bổ sung kẽm cho bé bằng các loại thuốc, hãy cho trẻ uống sau khi ăn 30 phút.
- Kẽm và sắt khi dùng chung sẽ làm giảm khả năng hấp thu của loại chất còn lại, vậy nên hãy cho trẻ dùng 2 loại khoáng chất này cách nhau ít nhất 2 tiếng.
- Kẽm và canxi khi dùng chung cũng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của nhau, bố mẹ nên lưu ý khi bổ sung cho bé đồng thời 2 loại vi khoáng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khẩu phần ăn hàng ngày không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu kẽm của trẻ. Vậy nên, các bậc phụ huynh có thể sử dụng các loại chế phẩm để bổ sung kẽm cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm:
Những thực phẩm giàu kẽm cho bé
Bổ sung kẽm cho bé qua các bữa ăn hàng ngày là phương pháp được nhiều mẹ lựa chọn và tin dùng. Các mẹ có thể tham khảo các loại thực phẩm bổ sung kẽm cho bé sau đây:
- Hàu: là thực phẩm rất giàu kẽm, trong 6 con hàu sống chứa đến 32 mg kẽm. Đồng thời hàu cũng có chứa protein và axit béo omega-3, tốt cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, tránh không nên cho trẻ ăn hàu tái, có thể khiến trẻ bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm khuẩn. Mẹ có thể tham khảo món trứng rán hàu cho bé.
- Thịt bò: không chỉ giàu kẽm mà còn rất giàu protein, vitamin B12,… Các mẹ có thể chế biến rất nhiều món ăn từ thịt bò ví dụ như bò hầm, Cháo bò bằm,… Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho bé ăn thịt bò 1 lần 1 tuần, nếu cho trẻ ăn nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường,… Súp thịt bò cần tây là một gợi ý thực đơn cho bé hoàn hảo.
- Ngũ cốc tăng cường: Trong ¾ cốc ngũ cốc có chứa tới 3,8mg kẽm. Bố mẹ có thể tìm mua các loại ngũ cốc đến từ các thương hiệu uy tín để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ ăn sáng bằng ngũ cốc với các loại trái cây để bổ sung thêm các loại vitamin khác. Tham khảo thêm: Các loại ngũ cốc cho trẻ ăn sáng
- Quả hạnh nhân: là một loại quả rất giàu kẽm, khi trong mỗi 31,1 hạnh nhân rang khô có đến 0,9mg kẽm. Hơn thế nữa, hạnh nhân còn chứa các chất như magie, omega-3, vitamin E,… rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Mẹ có thể cho bé ăn hạnh nhân như một món ăn vặt để kiềm chế cơn đói của trẻ. Tham khảo: Thức ăn nhẹ dinh dưỡng cho bé.
- Thịt gà: không chỉ giúp bổ sung kẽm cho bé, mà còn cung cấp vitamin B6 – là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong chu trình hoạt động của não. Với thịt gà, mẹ có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon cho bé, ví dụ như cháo gà, gỏi gà, hay đơn giản nhất là gà luộc.
- Sườn lợn: là một món ăn phổ biến và được rất nhiều trẻ ưa thích. Trong 93g sườn lợn đã nấu chín có đến 2,9mg kẽm, vậy nên mẹ có thể yên tâm thêm loại thực phẩm này vào khẩu phần ăn để bổ sung kẽm cho bé.
- Tôm hùm: chứa nhiều kẽm, vitamin B12, protein và canxi. Đây là loại thực phẩm có gần như đầy đủ các loại dinh dưỡng cần thiết cho một bữa ăn của trẻ. Với tôm hùm, mẹ có thể làm salad kết hợp với các loại rau, hoặc hấp chín và bóc trực tiếp cho trẻ ăn.
Trẻ biếng ăn có nên bổ sung kẽm dưới dạng thuốc?
Với những trẻ biếng ăn, bố mẹ chỉ nên bổ sung kẽm cho bé dưới dạng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ. Bởi nếu bổ sung kẽm không đúng liều lượng và khiến kẽm bị dư thừa, có thể dẫn đến các triệu chứng nặng nề không khác gì khi thiếu kẽm.
Bổ sung kẽm cho bé là việc làm rất cần thiết cho quá trình phát triển của con. Mong rằng với những thông tin mà Huggies cung cấp, bố mẹ sẽ biết được liều lượng cần bổ sung phù hợp với độ tuổi của con, từ đó giúp con đảm bảo sức khỏe và phát triển khỏe mạnh hơn. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, các mẹ hãy truy cập Góc Chuyên gia của Huggies hoặc chuyên mục Chăm sóc bé để biết thêm nhiều thông tin hữu ích.
Nguồn tham khảo: https://www.huggies.com.vn/cham-soc-be/cham-soc-suc-khoe-cho-be/kem-cho-be
Bổ sung kẽm cho bé trong bao lâu hiệu quả, liều lượng ra sao?
Kẽm là một loại khoáng chất vi lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em, giúp cơ thể trẻ tổng hợp protein, từ đó kích thích sự phát triển của xương, cơ bắp cũng như não bộ của bé. Tùy vào độ tuổi và thể trạng, mỗi trẻ sẽ […]
Đã cập nhật 21 tháng 5 năm 2022
Bởi TopOnMedia
Tags: