Trong quá trình sử dụng ô tô sẽ không tránh khỏi những tình huống đáng tiếc xảy ra, nhẹ thì va quệt còn nặng hơn thì hư hỏng hoặc gây tai nạn. Và để hạn chế các thiệt hại về tài chính khi không may rơi vào các tình huống kể trên, nên chọn mua loại bảo hiểm nào?
>> Xem thêm: 5 Cách tra cứu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầy đủ và chính xác nhất
Nhắc đến việc sử dụng ô tô không ai lại không muốn an toàn cho bản thân mình, việc xảy ra va chạm tai nạn chỉ là rủi ro ngoài ý muốn. Nếu đang sở hữu cho mình một chiếc ô tô thì việc mua bảo hiểm là điều bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, có rất nhiều loại bảo hiểm dành cho ô tô mà bạn không biết, trong đó có loại bảo hiểm 1 chiều và 2 chiều. Thực chất thì bảo hiểm 1 chiều hay 2 chiều chính là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm vật chất xe.
Để hiểu rõ hơn về 2 loại bảo hiểm này, hãy cùng tìm hiểu với anh Huy Hoàng – chuyên viên tư vấn Toyota cơ sở Long Biên.
Bảo hiểm ô tô 1 chiều là gì?
Bảo hiểm ô tô 1 chiều hay còn gọi là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe. Đây là loại bảo hiểm mà chủ xe cơ giới nào cũng cần phải có khi tham gia giao thông.
Loại bảo hiểm này nhằm chi trả, bồi thường và hỗ trợ về mặt tài chính cho lái xe, chủ xe khi gây ra thiệt hại, tổn thất về thân thể, tính mạng hoặc tài sản của bên thứ 3. Trong trường hợp tai nạn, rủi ro xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm để hoàn tất bồi thường các chi phí về tính mạng, thân thể cũng như các chi phí sửa chữa xe cho bên thứ 3.
Tuy nhiên với một số trường hợp sau công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường. Cụ thể:
– Khi bên thứ 3 cố ý gây thêm thiệt hại thì sẽ không được hưởng toàn bộ mức bồi thường từ công ty bảo hiểm.
– Bảo hiểm ô tô 1 chiều cũng sẽ không chi trả trong các tình huống lái xe gây tai nạn bỏ chạy, không có giấy tờ lái xe.
– Thiệt hại dẫn đến hư hại cho cây cối, nhà cửa, thiệt hại với tài sản bị mất trộm hay cướp khi tai nạn diễn ra.
– Thiệt hại với các tài sản như vàng bạc, đá quý, tiền, các hiện vật có giá trị như tranh ảnh quý hiếm, đồ cổ…
– Chiến tranh, khủng bố, động đất, lũ lụt, thiên tai…
Thời hạn có hiệu lực của bảo hiểm trách nhiệm dân sự – Bắt đầu tính từ ngày ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng không tính trước thời gian chủ xe đóng đủ phí bảo hiểm. Thời hạn thông thường trong vòng 1 năm.
Trong thời gian có hiệu lực, nếu có sự chuyển quyền sở hữu chủ xe cơ giới, mọi quyền lợi và trách nhiệm bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cũ sẽ có hiệu lực với chủ xe mới.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bị hủy bỏ hợp đồng như: Xe ô tô, xe cơ giới bị thu hồi đăng ký và biển số theo quy định của pháp luật; Xe ô tô hết niên hạn sử dụng theo quy định pháp luật; Xe hỏng không sử dụng được nữa hoặc bị phá hủy do tai nạn giao thông gây ra được xác nhận bởi cơ quan công an; Xe cơ giới bị trộm, cướp được công an xác nhận.
Bảo hiểm ô tô 2 chiều là gì?
Hiểu đơn giản gồm bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm vật chất xe. Phạm vi bảo hiểm phụ thuộc gói bảo hiểm và phí bảo hiểm ô tô mà người mua lựa chọn do công ty bảo hiểm cung cấp.
Có thể nói, đây là loại bảo hiểm đang được rất nhiều chủ xe quan tâm, bởi khi tham gia giao thông, trong trường hợp xảy ra các sự cố va chạm gây hư hỏng hay bị mất cắp, công ty bảo hiểm sẽ bù đắp những khoản chi phí khắc phục thiệt hại giúp lái xe, chủ xe chủ động hơn về tài chính và yên tâm trong việc sử dụng xe.
Quyền lợi khi chủ xe mua bảo hiểm ô tô 2 chiều – Như ở trên đã nói, bảo hiểm trách nhiệm dân sự giúp chi trả cho bên thứ 3, thì bảo hiểm vật chất xe nhằm bồi thường thiệt hại cho chính xe của mình.
Khi mua bảo hiểm vật chất xe ô tô, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường những thiệt hại về vật chất xe gây ra do những tai nạn bất ngờ sự ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe trong các trường hợp đâm va, hoả hoạn, cháy nổ hay những tai nạn bất khả kháng như bão, lũ lụt, sạt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, những hành động ác ý của người khác và mất cắp toàn bộ xe… Đây là bảo hiểm ô tô tự nguyện.
Tuy nhiên với một số trường hợp sau công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường. Cụ thể:
– Số tiền đầu tiên của tổn thất là mức miễn thường như ghi trên bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm. Mức miễn thường được hiểu là số tiền mà khách hàng phải chịu nhằm chia sẻ rủi ro với công ty bảo hiểm khi có mất cắp bộ phận xảy ra. Theo thống kê với khách hàng lựa chọn mức miễn thường thì sẽ có xu hướng lái xe an toàn hơn và bảo vệ xe kỹ hơn nhằm tiết kiệm chi phí sửa chữa.
– Xe mất tính năng sử dụng hay bất cứ những tổn thất mang lại hậu quả khác.
– Hao mòn tự nhiên, hư hỏng, hỏng hóc đổ vỡ về cơ hoặc điện.
– Thiệt hại đối với săm lốp vỏ ruột xe trừ khi thiệt hại, đồng thời gây ra thiệt hại cho những bộ phận khác của xe trong cùng một vụ tai nạn.
– Tổn thất động cơ xe do đi vào đường ngập nước hay do nước lọt vào động cơ xe gây nên hiện tượng thủy kích phá hỏng động cơ xe.
– Lần yêu cầu bồi thường thứ ba trở đi cho những tổn thất gây ra bởi trộm cắp bộ phận, nếu đã có hai lần được bồi thường cho tổn thất gây ra bởi trộm cắp bộ phận trong suốt thời hạn bảo hiểm.
– Những tổn thất về vật chất xe gây ra bởi hiện tượng thủy kích đối với: Xe hybrid (xe có hệ thống động cơ vừa sử dụng xăng vừa sử dụng điện) và/hoặc xe khách chở người trên tám chỗ và/hoặc xe tải các loại.
– Những tổn thất do độ thân xe.
– Tất cả các loại tem xe không còn nguyên bản, riêng đối với xe ô tô đã ngưng sản xuất thì loại trừ tất cả các loại tem xe cho dù có nguyên bản hay không.
– Những tổn thất cho các bộ phận không phải là nguyên bản (tức không phải xuất xưởng đã có) mà các bộ phận này không được khai báo trong phần “Phụ kiện gắn thêm” trong phiếu giám định xe.
– Những tổn thất không được khách hàng thông báo chính thức cho công ty bảo hiểm.
Bên cạnh đó, chủ xe cũng cần lưu ý khi mua bảo hiểm ô tô 2 chiều qua thông qua các yếu tố sau: Đơn vị bảo hiểm lớn, hoạt động nhiều năm, có liên kết với các gara chính hãng, để thuận lợi cho công việc sữa chữa sau này. Tìm hiểu về những điều khoản bị loại trừ bảo hiểm; Mức khấu trừ mỗi vụ tai nạn; Thủ tục bồi thường bảo hiểm khi có tai nạn xảy ra.
Mức trách nhiệm bảo hiểm
Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.
Biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được quy định rõ tại Thông tư 22/2016 của Bộ Tài Chính
Còn về bảo hiểm ô tô 2 chiều thì mỗi đơn vị bảo hiểm đều có giá phí khác nhau. Mức phí phụ thuộc vào giá trị của chiếc xe, năm sản xuất, mục đích sử dụng xe và chính sách của các hãng bảo hiểm tùy theo bạn lựa chọn.
Có thể nói, việc sở hữu cho mình 1 gói bảo hiểm ô tô 2 chiều là cách làm rất thông minh để giảm thiểu tối đa những thiệt hại nếu như có rủi ro xảy ra.