Phải chăng cuộc chia tay nào trong giới thời trang cũng nên chóng vánh và đột ngột như vậy, khiến cho những kẻ mộ điệu dễ rơi vào bối rối hơn là sự lạc lõng, luyến tiếc. Chỉ ngay sau khoảng một tuần kể từ sự kiện Raf Simons rời khỏi nhà Dior. Mới đây, thương hiệu Lanvin cũng “đánh mất” nhà thiết kế chính của mình sau thông cáo chính thức công bố vào sáng thứ tư, ngày 28/10/2015. Nhà tạo mốt người Israel gốc Morocco – Alber Elbaz, sau những bất đồng với cổ đông, lặng lẽ để lại phòng làm việc đã được dọn trống vào tối thứ ba. Ngay cả đội ngũ nhân viên của Alber chỉ biết đến sự rời khỏi này, khi thông cáo báo chí được gửi đi cho giới truyền thông.
Rất nhiều nguồn tin đề cập nguyên nhân của cuộc tan rã này, là quyết định của ban giám đốc điều hành và các đơn vị cổ đông. Bắt nguồn từ những bất đồng trong việc định hướng chiến lược phát triển sản phẩm và kinh doanh trong tương lai. Alber Elbaz cũng là một trong những cổ đông và nắm giữ một phần lợi nhuận tại Lanvin. Đề xướng của ông đã không nhận được sự chấp thuận bởi cổ đông chính, là doanh nhân người Đài Loan, bà Shaw-Lan Wang và CEO Michèle Huiban. Mặc dù bà Wang đồng thời là người đã tuyển Alber Elbaz về làm việc tại Lanvin, ngay sau khi mua lại thương hiệu Lanvin từ L’Oréal vào năm 2001.
Nhà thiết kế Alber Elbaz gia nhập Lanvin từ năm 2001 dưới cương vị giám đốc sáng tạo. Trước đó ông đã từng đảm nhận vị trí thiết kế chính của dòng Prêt-à-porter nữ tại Yves Saint Laurent, cho đến khi bị sa thải bởi nhà thiết kế Tom Ford của nhà Gucci. Trải qua “cuộc hôn phối” 14 năm với “người đẹp ngủ yên” Lanvin, Alber Elbaz đã góp phần cho sự trỗi dậy của thương hiệu lâu đời đến từ nước Pháp này.
Bản sắc thiết kế của Alber Elbaz chú trong về “sự khao khát” của phái đẹp. Nếu như “Yves Saint Laurent đem đến quyền lực cho phụ nữ. Chanel giải phóng và dành tặng sự tự do cho phái đẹp. Và khi gia nhập Lanvin, tôi nghĩ đến việc tôi sẽ đem mang đến cho họ điều gì?”. Đó là điều mà Alber Elbaz luôn tự hỏi khi cầm cương điều hướng cho thương hiệu Lanvin, sau những suy sụp của hãng trong khoảng thập niên 80 – 90.
Là một nhà thiết kế thừa cân, Alber Elbaz có ý thức rõ với nhu cầu thời trang một cách rất thực tế. “Sẽ không còn là thức ăn nếu chúng không thể ăn. Sẽ không còn là quần áo nhiều chúng không thể mặc”. Các thiết kế của Alber Elbaz mang tính timeless và danh cho mọi độ tuổi. Điều này đã được thể hiện trong chiến dịch quảng bá bộ sưu tập Thu Đông 2012 bởi người mẫu da màu của New York – Jacquie Tajah Murdock 82 tuổi. Không chỉ thế, độc nhất cửa hàng của thương hiệu xa xỉ này, khách hàng có thể mua được các mẫu thiết kế từ cỡ 34 đến 44. Những triết lý thời trang của Alber Elbaz, đã đưa Lanvin từ một hãng thời trang chỉ phục vụ cho nam giới, trở thành một trong những thương hiệu thời trang nữ cao cấp hàng đầu nước Pháp.
Đến và ra đi trong thầm lặng. Lanvin cũng từ biệt ông một cách “khiêm tốn”. Tuy nhiên, nhiệm kỳ 14 năm của Alber Elbaz tại Lanvin thực sự được công nhận là một “cuộc hôn nhân” đẹp. Chàng hề Morocco đã đánh thức người đẹp ngủ say của nước Pháp, Alber Elbaz là một trong những cột mốc lịch sử vĩ đại của thương hiệu Lanvin. Bộ sưu tập Xuân Hè 2016 được trình diễn tại Paris Fashion Week, chính thức được xem là tác phẩm cuối cùng của Alber Elbaz tại nhà Lanvin.