Bước vào thế kỷ XXI, trong khi ngành Công Nghiệp kính mắt lao vào “cuộc chạy đua” của hàng loạt các thương hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Chanel, Bvlgari,… Rayban vẫn là một tên tuổi lớn với những kiểu mắt kính kinh điển, có chất lượng tuyệt hảo và thẩm mỹ tinh tế vượt thời gian.
Dù vậy, không phải hầu hết những ai yêu thích tính khoa học tiên tiến, hiệu suất cao và phong cách cổ điển đặc trưng của kính Rayban đều biết rõ nguồn gốc ra đời của các phiên bản Rayban huyền thoại. Liệu các tín đồ thời trang của Leflair có thể kể tên 3 mẫu kính Rayban luôn được săn đón nhất? Bạn có đang sở hữu phiên bản Classic mang tính biểu tượng đích thực của Rayban? Và điều gì đã khiến những phiên bản Rayban kinh điển này chưa bao giờ lỗi thời? Hãy cũng Leflair khám phá nhé!
1. Rayban Aviator
Một biểu tượng có giá trị kinh điển, là mẫu kính mắt đầu tiên mà bất cứ ai cũng nghĩ đến khi nói về Rayban. Nằm trong đơn đặt hàng của đơn vị không quân Mỹ (US Army Air Corp) bởi trung úy John Mac Cready, công ty Bausch & Lomb đã sản xuất ra mẫu kính râm chuyên dụng mang tên “Aviator” đầu tiên với tác dụng đối phó với ánh sáng chói mà các phi công thường gặp thì bay trên bầu trời.
Năm 1937, những mẫu kính Aviator (hay còn gọi là kính phi công) thương mại được bán ra cho công chúng, viết nên chương đầu tiên trong lịch sử ra đời và phát triển của thương hiệu Rayban. Những phiên bản Rayban Aviator đầu tiên được làm bằng gọng kim loại và lenses màu xanh lá cây, có tác dụng ngăn chặn tia cực tím và tia hồng ngoại. Phiên bản này ngày nay đã trở thành biểu tượng Classic của Aviator, là kiểu kính Rayban được hàng triệu triệu người sử dụng trên khắp thế giới.
Từ thập niên 60 – 80, cuốn theo các trào lưu bùng lên như vũ bão của nhạc Pop, Rock và được lăng-xê bởi các tài tử điện ảnh, kính Rayban Aviator đã trở thành món phụ kiện thời trang được sử dụng nhiều nhất. Đó cũng là một kỷ nguyên mới của thương hiệu Rayban với các thiết kế kính Aviator ngày càng thêm đa dạng về chất liệu gọng, chất lượng lenses, màu sắc phong phú, độ linh hoạt và sự tinh nhẹ ngày càng ưu việt.
Trong suốt lịch sử ra đời và phát triển của thương hiệu Rayban, mã sản phẩm RB3025 phiên bản Aviator Classic dẫn đầu những chiếc kính râm được săn đón nhất thế giới. Từ bầu trời đến màn bạc, từ nhạc Pop đến thời trang, kính Rayban Aviator – một thiết kế đã “gieo hạt mầm” cho lĩnh vực kính râm thời trang. Tính đến nay, Aviator đã tròn 80 tuổi, trải qua rất nhiều phiên bản hiện đại, cải tiến cả về vật liệu lẫn chất lượng. Các biến thể lâu đời nhất của Aviator lần lượt ra đời trong giai đoạn 1938 – 1939, bao gồm RayBan Shooter và Rayban Outdoorman (hay Skeet Glass).
2. Rayban Wayfarer
Rayban Wayfarer được thiết kế vào năm 1952 bởi nhà thiết kế quang học người Mỹ – Raymond Stegeman khi đang làm việc cho Bausch & Lomb lúc bấy giờ. Mẫu thiết kế gọng kính hình thang này được ví như một “tiêu chuẩn cổ điển“ sánh ngang với ghế Eames và mẫu xe hơi Tailfins của hãng Cadillac.
Các phiên bản Original của Wayfarer là một trong những mẫu thiết kế được ưa chuộng hơn bao giờ hết của Rayban bởi sự “bùng nổ” trào lưu Wayfarer trong suốt các thập niên 1950 – 1960, một lần nữa sau 1982 và tiếp tục hồi sinh trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Những chiếc kính Rayban Wayfarer đã được mang bởi những nghệ sỹ nổi tiếng nhất thế giới như Michael Jackson, Billy Joel, Johnny Marr, Blondie’s Debbie Harry, Madonna, Depeche Mode, Elvis Costello,… và là món phụ kiện yêu thích của nhân vật có ảnh hưởng trong làng thời trang quốc tế, biên tập viên quyền lực của tạp chí Vouge – Anna Wintour.
Ngày nay, các “thế hệ” Wayfarer sau nhiều lần tái sinh đặc trưng với các phong cách khác nhau như: Original Wayfarer, New Wayfarer, Tech Wayfare, Wayfarer Folding và Wayfarer Special Series (Flat Metal, Color Splash, Denim, Leather,…). Các phiên bản Original được yêu thích nhất mới mã sản phẩm riêng là RB2140.
3. Rayban Clubmaster
Đứng thứ 3 trong top những mẫu kính Rayban kinh điển dễ dàng nhận diện nhất của thương hiệu Rayban là Clubmaster. Chịu ảnh hưởng của kính Browline phổ biến trong những thập niên 50 – 60, đặc trưng bởi thiết kế táo bạo, ấn tượng bởi phần gọng trên dày như lông mày của chiếc kính mắt. Những chiếc kính Browline của thời kỳ này được thiết kế bởi Jack Rohrbach, phó chủ tịch của công ty kính Shuron Ltd. vào năm 1947.
Lắng dần đi từ giữa thập niên 70 cho đến cuối thập niên đó, trào lưu Browline quay trở lại với phiên bản đậm chất retro, mang cảm hứng của thập niên 50 dưới tên thương hiệu Rayban – vốn đang thống trị thị trường kính mắt trong thời gian này. Mặc dù không phải là sản phẩm do chính Rayban thiết kế, cũng như phong cách kính Browline cũng được “học hỏi” từ rất nhiều công ty sản xuất kính mắt thời bấy giờ, nhưng mẫu kính Browline thực sự được nhớ đến nhiều nhất dưới tên Rayban Clubmaster. Mẫu kính râm Clubmaster đồng thời cũng “góp tên” trở thành dòng sản phẩm đem lại doanh thu tốt nhất của Rayban trong những năm 1980, chỉ sau Aviator và Wayfarer.
Rayban Clubmaster nổi tiếng nhất trong những năm cuối thế kỷ XX với sự xuất hiện liên tục trong các bộ phim điện ảnh nổi tiếng như: Malcom X (1992) và Falling Down (1993). Ngày nay, thương hiệu Rayban đáp ứng mẫu kính Clubmaster với các phiên bản: Clubmaster Classic, Clubround và Clubmaster Reinvented. Theo đó, các mẫu kính Rayban Clubmaster Classic được nhận dạng dưới mã sản phẩm là RB3016.